Theo tờ Asia Times, Low Taek Jho - doanh nhân “đình đám” trong vụ bê bối tại Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB) hiện đang phải lẩn trốn - gần đây đã được phép đáp máy bay xuống Ấn Độ và ở lại nước này bất chấp việc nhà tài phiệt trẻ tuổi này đang phải đối mặt với "lệnh truy nã đỏ" của Interpol.
Doanh nhân Low Taek Jho, sinh tại bang Penang (Malaysia), đang bị Mỹ và Malaysia truy nã do bị cáo buộc có liên quan đến vụ biển thủ 4,5 tỷ USD từ 1MDB - quỹ đầu tư nhà nước do cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak thành lập.
[Vụ bê bối Quỹ Đầu tư 1MDB gây chấn động giới tài chính như thế nào?]
Low đã phải lẩn trốn từ tháng 11/2018 sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ba tội danh về âm mưu rửa tiền biển thủ từ 1MDB, hối lộ quan chức nước ngoài và vi phạm luật vận động tài chính của Mỹ.
Thông tin về nơi ẩn náu của Low rất hiếm, ngoài những tin đồn cho rằng Low đã tìm được nơi ẩn nấp an toàn tại Trung Quốc hay những thông tin trên báo chí nói rằng Low có mặt ở khắp nơi, từ Hong Kong, Ma Cao cho đến Bangkok hay Dubai.
Tuy nhiên, thông tin về nơi ở, thời gian Low xuất hiện một cách chính xác thì rất ít.
Hồi tháng 6/2018, Interpol đã phát lệnh truy nã đỏ đối với Low sau khi các trát truy nã cấp quốc gia được Malaysia và Singapore đưa ra đối với nhà tài phiệt này.
Tuy nhiên, các lệnh truy nã này không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của Low.
Low được cho rằng đã có hộ chiếu của nhiều quốc gia vùng Địa Trung Hải và Caribe thông qua các kế hoạch xin cấp hộ chiếu dựa trên các khoản đầu tư. Trong số những nước cấp hộ chiếu cho Low có St Kitts và Nevis, Malta và Cyprus.
Các chuyên gia về an ninh cho rằng sở dĩ Low tránh được việc bị bắt giữ là do doanh nhân này di chuyển bằng các máy bay tư nhân và sử dụng các điểm nhập cảnh tạm thời tại các lối đi dành cho khách VIP.
Low cũng được cho là đã sử dụng dịch vụ trợ giúp được các nhân vật VIP và các minh tinh thường sử dụng, tức là Low không cần phải có mặt trực tiếp mà thuê người làm giúp khi phải xuất trình giấy tờ tại các điểm kiểm tra hải quan.
Các cơ quan cảnh sát và nhập cảnh tại Malaysia và Singapore tin rằng Low có lẽ đã tiến hành phẫu thuật mặt để có diện mạo mới.
Hồi tuần trước, người phát ngôn của Low nói rằng Low đã nộp đơn xin tị nạn tại một quốc gia không nêu tên, nơi tôn trọng nhân quyền hơn và không có khủng bố chính trị.
Low nhiều lần và kiên quyết phủ nhận trách nhiệm trong vụ 1MDB. Doanh nhân này cho rằng các cáo buộc chống lại ông ta bị chính trị hóa và rằng bản thân sẽ không thể có được một phiên tòa xét xử công bằng tại Malaysia.
Mặc dù nói rằng bản thân vô tội, Low lại nhất trí bồi thường 1 tỷ USD trong vụ thỏa thuận có tính lịch sử đạt được hồi tháng trước với Bộ Tư pháp Mỹ.
Thỏa thuận này, trong đó không bao gồm việc thừa nhận phạm tội hay chịu trách nhiệm, đã không thể giúp Low thoát khỏi các cáo buộc chống lại chính ông tại Mỹ.
Thỏa thuận này cũng bao gồm một điều khoản gây tranh cãi, cho phép Low chi trả 15 triệu USD cho đội ngũ pháp lý của mình.
Đội ngũ này do cựu Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Chrisine, một đồng minh chính trị nổi tiếng của Tổng thống Donald Trump, đứng đầu. Số tiền này được cho là bị đánh cắp từ 1MDB.
Báo chí những ngày gần đây đưa tin Low đang ở UAE sau khi người phát ngôn của Low nói rằng doanh nhân này đang ở một quốc gia Trung Đông không xác định.
Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Abdul Hamid Bador đã lên tiếng phản bác thông tin này, cho rằng UAE là nước có hệ thống an ninh nghiêm ngặt và có mối quan hệ hợp tác tốt với Cảnh sát Hoàng gia Malaysia.
Thông tin về sự có mặt của Low tại quốc gia vùng Vịnh này sẽ làm dấy lên những câu hỏi nghi ngờ trong bối cảnh Công ty Đầu tư Dầu khí Quốc tế (IPIC) - một tổ chức đầu tư do chính phủ UAE sở hữu - là đơn vị quản lý Quỹ Abu Dhabi.
Quỹ này được cho là đã đứng ra bảo lãnh cho ba lần huy động vốn của 1MDB, tiến trình mà nhờ đó Low có cơ hội để ăn cắp tiền.
Thời điểm đến Ấn Độ của Low cũng trùng hợp thời điểm xẩy ra vụ tranh cãi giữa Ấn Độ và Malaysia sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chỉ trích chính sách của New Dehli đối với vùng Kashmir, vùng đất rộng lớn cũng được Pakistan đưa ra yêu sách chủ quyền.
Tháng trước, vụ tranh cãi này đã khiến các thương nhân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay dầu cọ Malaysia, một mặt hàng chiến lược của quốc gia Đông Nam Á này.
Giới chức Malaysia cũng từng thách thức yêu cầu dẫn độ nhà truyền giáo đạo Hồi lưu vong Zakir Naik, người bị Ấn Độ truy nã vì tư tưởng cấp tiến và cáo buộc rửa tiền.
Phía Malaysia đã từ chối trục xuất công dân Ấn Độ này bất chấp yêu cầu dẫn độ của New Dehli với lập luận rằng nhà truyền giáo này sẽ không nhận được phiên tòa xét xử công bằng tại Ấn Độ.
Naik hiện đang sinh sống tại Malaysia, nơi ông này có giấy tờ thường trú trong khoảng 3 năm.
Giới chức Malaysia gần đây chịu sức ép phải có hành động chống lại nhà truyền giáo sau khi ông này có những nhận xét nhạy cảm về sắc tộc hồi tháng Tám, theo đó Naik đề xuất Malaysia hãy trục xuất cộng đồng người gốc Hoa về nước.
Thủ tướng Mahathir nói rõ rằng quy chế thường trú của Naik sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc điều tra của cảnh sát, song cho đến nay vụ việc vẫn chưa có tiến triển nào, khiến người ta đưa ra những so sánh vụ việc này với vụ truy lùng doanh nhân Low của Malaysia.
Mustafa Izzuddin - nhà phân tích chính trị tại Viện nghiên cứu Đông Á trực thuộc Đại học Singapore - nhận định: “Giữ Zakir Naik ở lại Malaysia thay vì trục xuất về Ấn Độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi hương đối với doanh nhân Low của chính phủ Mahathir.”
Ông cho biết thêm: “Chính phủ Mahathir không thể đưa ra những lập luận về khía cạnh đạo đức trong vụ Low bởi chính Malaysia cũng tỏ ra cứng đầu trong việc trục xuất Zakir Naik.”
Cũng theo nhà phân tích Mustafa, Thủ tướng Mahathir có chính sách ngoại giao gần gũi hơn với Pakistan. Quan hệ giữa Malaysia và Ấn Độ có thể trở nên lỏng lẻo hoặc thụt lùi, song chắc chắn sẽ không đến mức đổ vỡ.
Nhà phân tích này cũng nói thêm rằng hy vọng chính phủ Mahathir sẽ không nói về Zakir Naik và như vậy vụ việc sẽ không trở nên ầm ĩ. Nhưng chừng nào mà Malaysia còn buộc tội Low thì Zakir Naik vẫn sẽ được đề cập đến với cùng một giọng điệu do sự độc tài về chính trị và việc áp dụng tiêu chuẩn kép.
Nhà khoa học chính trị Chandra Muzaffar nhắc lại những nhận xét trước đây của Mahathir, người cho rằng nhà truyền giáo lưu vong Zakir Naik có thể bị giết nếu buộc phải trở về Ấn Độ, nơi sự thù địch và không dung thứ về tôn giáo chống lại các tín đồ Hồi giáo đã gia tăng dưới thời Thủ tướng Narendra Modi.
Song lo lắng của Low về việc doanh nhân này có thể không có được một phiên tòa công bằng tại Malaysia lại ít thuyết phục hơn.
Nhà khoa học này cho rằng những gì đang diễn ra trong vụ án chống lại cựu Thủ tướng Najib Razak cho đến nay là công bằng và hợp pháp.
Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào vụ kiện đang diễn ra liên quan đến cựu Thủ tướng Najib và cách thức mà bên công tố và luật sư biện hộ thể hiện trước tòa, nhìn vào những điểm gây phản biện…, người ta không có cảm giác rằng phiên xét xử thiên vị chính quyền.”
Ông nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ Low có thể lập luận rằng bản thân sẽ bị ngược đãi nếu doanh nhân này trở về Malaysia”./.