Theo trang mạng BBC News Mundo, trong những năm gần đây, Trung Quốc đóng vai trò chủ nợ quan trọng tại khu vực Mỹ Latinh. Tuy nhiên, dường như điều này đang dần thay đổi.
Báo cáo từ Tổ chức Đối thoại Liên Mỹ (IAD) cho thấy vào năm ngoái, lần đầu tiên sau hơn 15 năm, hai ngân hàng chính sách hàng đầu của Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) đã không thực hiện bất kỳ một khoản cho vay nào tại Mỹ Latinh.
Vào những năm 2000, nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và các doanh nghiệp quốc doanh nước này tìm cách mở rộng ra thị trường quốc tế. Bắc Kinh hướng sự chú ý sang Mỹ Latinh, một khu vực luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư, nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc cần.
Trong giai đoạn 2005-2019, CDB và CHEXIM đã cung cấp số vốn tổng cộng hơn 136 tỷ USD cho các dự án phát triển tại Mỹ Latinh, chủ yếu cho các quốc gia như Venezuela, Brazil, Ecuador, Argentina và Bolivia.
Giám đốc phụ trách châu Á và Mỹ Latinh của tổ chức IAD, bà Margaret Myers cho rằng việc Trung Quốc hạn chế các khoản vay cho Mỹ Latinh trong năm 2020 có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo đó, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020 ở mức 2,3%, đây vẫn là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.
Do đó, chính sách của các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc giờ đây tập trung vào sự phục hồi của các doanh nghiệp nước này.
[Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh]
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, bà Alicia García-Herrero, việc hạn chế cho vay vốn đã xuất hiện từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Việc thị trường chứng khoán của Trung Quốc biến động lớn trong năm 2015 đã khiến nước này cố gắng giảm bớt dòng vốn chảy ra bên ngoài.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng buộc Trung Quốc phải suy nghĩ đến việc tập trung thúc đẩy tăng trưởng trong nước thay vì xuất khẩu vốn ra nước ngoài.
Cùng với đó, trong năm vừa qua, chiến lược của Bắc Kinh đã tập trung vào hai sáng kiến khác là “Con đường Tơ lụa Y tế” và “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số,” nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại các sản phẩm y tế và tăng cường thương mại điện tử và viễn thông.
Đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế mà một số quốc gia Mỹ Latinh phải hứng chịu từ nhiều năm qua, khiến các nước này không thể nhận được các khoản vay mới do Bắc Kinh trở nên thận trọng hơn sau khi nhận thấy một số quốc gia trong khu vực đang phải vật lộn để trả nợ.
Trên thực tế, hai trong số các “con nợ” chính của Trung Quốc ở Mỹ Latinh là Venezuela và Ecuador đã phải cơ cấu lại các khoản nợ trong những năm gần đây.
Trong trường hợp của Venezuela, mặc dù nước này từng là điểm đến cho các khoản vay của Trung Quốc, chiếm đến 45% tổng số vốn Trung Quốc tài trợ cho Mỹ Latinh kể từ năm 2005, trong bốn năm qua, quốc gia Nam Mỹ này đã không nhận được bất kỳ khoản vay mới nào từ Bắc Kinh.
Bà Alicia García-Herrero cho biết, vào năm 2015, Venezuela cố gắng đàm phán nợ với Nga và Trung Quốc khi nhận thấy tình hình trở nên xấu đi.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Margaret Myers nói thêm rằng sau khi CDB phân tích tình hình ở Venezuela, ngân hàng này không cấp thêm vốn cho quốc gia Nam Mỹ này vì “mọi thứ có xu hướng không ổn định.”
Nhà nghiên cứu quốc tế tại Đại học London Lauren Johnston cho rằng ngoài lý do liên quan đến khía cạnh chính trị. Điều này còn được giải thích là do nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc có xu hướng giảm.
Chính sách đầu tư của Trung Quốc tại khu vực từ trước đến nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Và trên thực tế, nước này đã cung cấp cho các quốc gia có sản lượng dầu mỏ phong phú, chẳng hạn như Venezuela và Ecuador, lựa chọn thanh toán các khoản nợ bằng dầu mỏ.
Theo bà Johnston, Trung Quốc đang tìm cách thay thế dầu mỏ bằng các dạng năng lượng khác và sẵn sàng cấp vốn cho các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Một lý do khác khiến các khoản vay của Trung Quốc tại các nước Mỹ Latinh suy giảm là do “gã khổng lồ châu Á” đang thay đổi cách thức đầu tư trong khu vực.
Bà Margaret Myers giải thích các khoản vay từ ngân hàng nhà nước có thể không còn là một mô hình thú vị đối với Trung Quốc vì có những rủi ro liên quan đến những ràng buộc với chính phủ các nước trong khu vực.
Hiện nay, Trung Quốc quan tâm hơn đến việc tham gia vào các quan hệ đối tác công tư hoặc các hình thức đầu tư khác.
Theo bà Myers, các ngân hàng Trung Quốc cung cấp tài chính cho các quốc gia Mỹ Latinh trong nỗ lực giúp các doanh nghiệp của nước này tạo dựng được chỗ đứng trong khu vực.
Theo thời gian, các doanh nghiệp này đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và thiết lập được các mối quan hệ vững chắc. Đó là lý do tại sao trong nhiều trường hợp, các công ty của Trung Quốc đã không còn cần đến loại hình tài trợ từ nhà nước để đảm bảo việc giành được hợp đồng.
Về phần mình, bà García-Herrero cho rằng Bắc Kinh nhận ra các khoản vay chính phủ cũng có nguy cơ cho chính nước này. Vị chuyên gia này cho rằng, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang thúc đẩy Trung Quốc áp dụng các tiêu chí đa phương để đàm phán lại các khoản nợ và nước này không muốn vậy.
Cuối cùng, các nhà phân tích nhất trí rằng mặc dù việc cung cấp tín dụng cho Mỹ Latinh sụt giảm, Trung Quốc vẫn quan tâm sâu sắc đến Mỹ Latinh. Tuy nhiên, nước này cũng nhận ra các khoản cho vay từ ngân hàng quốc doanh đã không còn hợp lý nữa vì tiềm ẩn quá nhiều rủi ro./.