Các chiến lược An ninh quốc gia và Quốc phòng cũng như kế hoạch hành động của Bộ Tư lệnh phương Nam của Mỹ giai đoạn 2018-2028 đều coi sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh là một mối "đe dọa."
Điều này đặt ra câu hỏi về sự bá quyền và tầm ảnh hưởng của Washington về các mối quan hệ thương mại, chính trị tại khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ khi mà Bắc Kinh đang vươn lên.
Theo phân tích của Trung tâm chiến lược địa chính trị Mỹ Latinh (CELAG), sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh và Caribe có thể được coi là một thành quả của các chính sách sai lầm của Mỹ.
Trung Quốc ngày càng hiện diện sâu rộng tại khu vực qua các thước đo về kinh tế, thương mại và chính trị.
Trong vòng một thập kỷ qua, Bắc Kinh đã rót những khoản đầu tư khổng lồ, tăng cường quan hệ thương mại với các nước trong khu vực Mỹ Latinh và đã đem lại nhưng lợi ích không chỉ về kinh tế mà cả trên mặt trận chính trị.
Có thể nhìn thấy thắng lợi của Trung Quốc qua việc nhiều nước trong khu vực đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh như Costa Rica (2007), Panama (2017) và El Salvador (2018); Venezuela quyết định thiết lập giá dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD và thành lập liên doanh Sinovesa để khai thác dầu mỏ ở Dải Orinoco (khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới); dự án kênh đào xuyên đại dương ở Nicaragua và 7 quốc gia Mỹ Latinh đã tham gia Ngân hàng châu Á về đầu tư hạ tầng.
Trong chuyến công du Nam Mỹ mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ đe dọa chủ quyền của các nước trong khu vực và cụ thể là khu vực Nam Mỹ.
Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận với các nước Mỹ Latinh trên nhiều lĩnh vực như thương mại, hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa. Các khoản đầu tư vào Mỹ Latinh tập trung chủ yếu vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, đổi mới công nghệ, nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của Argentina, Brazil, Chile, Peru và Uruguay và là đối tác lớn thứ hai của Mexico.
Từ năm 2003 tới 2017, Trung Quốc đã đầu tư trên 110 tỷ USD vào khu vực.
[Tàu Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên cập cảng Venezuela]
Các dự án đầu tư của Trung Quốc có mặt tại 15 quốc gia trong khu vực gồm Bazil (năng lượng, khai khoáng, xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời), Peru (mỏ khai thác đồng), Argentina (đường sắt và tấm pin năng lượng mặt trời), Cuba (hạ tầng và du lịch), Jamaica (đặc khu kinh tế, khu công nghiệp và khai khoáng), Chile (tài chính, nông nghiệp, hạ tầng và điện năng), Mexico (dầu mỏ, ôtô và bán buôn hàng hóa), Ecuador (thủy điện, khai khoáng và viễn thông), Guyana (khai khoáng), Barbados (du lịch), Bermuda (công nghiệp ôtô), Venezuela (hạ tầng và dầu mỏ), Colombia (nông nghiệp và viễn thông), Trinidad và Tobago (hạ tầng) và Uruguay (ôtô, sản phẩm hóa chất, nhiên liệu, công nghệ và nông nghiệp).
Năm 2017 là năm Trung Quốc rót ít vốn đầu tư nhất vào Mỹ Latinh kể từ năm 2012 khi con số này chỉ đạt 9 tỷ USD, trong đó Brazil chiếm tới 59% và Argentina chiếm 32% tổng số vốn.
Các khoản tín dụng của Trung Quốc cho khu vực thông qua 2 ngân hàng chính là China Development Bank và China Eximbank.
Các công ty chính của Trung Quốc đang đầu tư tại Mỹ Latinh gồm Sinopec, China Harbour Engineering Company, China Three Gorges Corporation và China Power.
Theo đánh giá của Atlantic Council, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, với các bất ổn về kinh tế, có thể dẫn đến sự biến động trong giá nguyên liệu thô và điều này sẽ tác động mạnh tới Mỹ Latinh.
Mặt khác, mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ Latinh đặt ra một số thách thức và tái định hình đối với khu vực.
Báo cáo Triển vọng toàn cầu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới trong những thập kỷ tới.
Sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đòi hỏi nguồn lực chiến lược và trên tất cả, nguồn lương thực trong trung hạn, và Mỹ Latinh, với nguồn tài nguyên chiến lược phong phú, sẽ đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc.
Có thể nói, bất chấp thực tế rằng đầu tư của Bắc Kinh tại khu vực giảm trong những năm gần đây, sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh ngày càng gia tăng và điều này đe dọa tới lợi ích và vai trò của Mỹ ở Mỹ Latinh./.