Lý do liên minh châu Âu khó thành lập ngay quân đội riêng

Theo giáo sư Bruno Alomar, vẫn có khoảng cách lớn giữa viễn cảnh về quốc phòng châu Âu mà Tổng thống Pháp Macron mong muốn và thực tế là sự bất đồng sâu sắc giữa các đối tác châu Âu.
Lý do liên minh châu Âu khó thành lập ngay quân đội riêng ảnh 1Binh sỹ Anh tham gia cuộc tập trận ở Grafenwoehr, miền Nam Đức ngày 7/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu là "nạn nhân chính" của việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký kết với Nga nên đã đến lúc lục địa này cần phải tự vệ.

Theo đó, châu Âu cần thành lập "một quân đội châu Âu thực sự" để có thể tự vệ tốt hơn trước Nga và có thể là cả Mỹ.

Ông Macron nói thêm rằng châu Âu cần phải giảm sự lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ, ít nhất không phải sau khi ông Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi hiệp ước INF thời Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên phát sóng trên đài Europe 1 kể từ khi trở thành tổng thống Pháp hồi tháng 5/2017, ông Macron nói rằng: “Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí là Mỹ. Khi tôi thấy Tổng thống Trump công bố ông sẽ rút ra khỏi một hiệp định giải giáp quan trọng vốn được ký kết sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu vào những năm 80 của thế kỷ XX, ai sẽ là nạn nhân chính? Đó sẽ là châu Âu và an ninh của chúng ta.”

Ông Macron cho biết EU đã trải qua 70 năm hòa bình và thịnh vượng nhưng "thời kỳ vàng" này có thể sẽ không kéo dài. Hòa bình tại EU hiện đang bấp bênh. Khối này trong thời gian qua đã nhiều lần đối mặt với các cuộc tấn công và can thiệp, đặc biệt trên không gian mạng.

Cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu - cuộc chạy đua vũ trang phạm vi nhỏ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh mà khi đó Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu là yếu tố chính thúc đẩy việc ra đời Hiệp ước INF.

Ông Macron nói: “Pháp sẽ không bảo vệ được người dân châu Âu trừ phi chúng ta quyết định xây dựng một quân đội châu Âu thật sự. Đối mặt với một nước Nga ‘ở ngay sát nách chúng ta và thực tế đã cho thấy họ là mối đe dọa’. Chúng ta cần một châu Âu có thể tự bảo vệ mình mà không cần phải dựa vào Mỹ.”

[Thủ tướng Đức đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về lập quân đội châu Âu]

Từ hơn một năm trước, ông Macron đã đề xuất ý tưởng thành lập một lực lượng vũ trang bao gồm 9 nước châu Âu vốn có thể nhanh chóng triển khai một chiến dịch quân sự chung, sơ tán người dân từ vùng chiến sự hay cứu trợ sau một thảm họa thiên nhiên nhưng vấp phải sự hoài nghi của các quốc gia khác trong EU do trùng với việc ra mắt một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đầu tư quân sự chung.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Macron, Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu sẵn sàng phản ứng trước các cuộc khủng hoảng gần biên giới châu lục đã ra mắt tại Paris vào ngày 1/11 vừa qua gồm 9 quốc gia: Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng.

EU dự tính sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng từ năm 2021 để dành khoảng 13 tỷ euro (15 tỷ USD) trong vòng 7 năm cho việc nghiên cứu và phát triển thiết bị mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từ lâu đã ủng hộ ý tưởng EU nên có khả năng phòng thủ độc lập với NATO.

Một quan chức bộ quốc phòng Pháp cho rằng trong môi trường nhiều đe dọa và biến động về địa chính trị hoặc khí hậu như hiện nay, sự ra đời của Liên minh các lực lượng quân sự là nhằm đưa ra thông điệp rằng “châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng sáng kiến này không "mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống” của EU cũng như của NATO mà ngược lại, nó cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia.

Tuy nhiên, Giáo sư Bruno Alomar tại Trường Chiến tranh Pháp (vốn đào tạo những sỹ quan quân sự hàng đầu) lại cho rằng tầm nhìn của ông Macron về một lực lượng phòng vệ gắn kết của châu Âu chưa thể thực hiện ngay được.

Ông nói: “Ý tưởng thành lập một văn hóa chiến lược chung không phải là ý tưởng tồi. Nhưng vẫn có khoảng cách lớn giữa viễn cảnh về quốc phòng châu Âu mà ông Macron mong muốn và thực tế là sự bất đồng sâu sắc giữa các đối tác châu Âu. Hòa bình ở châu Âu đang gặp nguy hiểm”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục