Mặn lấn sâu vào nội đồng ở ĐB sông Cửu Long

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nước mặn lấn sâu vào đất liền 40km (tính từ Cửa Tiểu) và nồng độ mặn 2gam/lít đến gần bến đò Hòa Định.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, mặn trên sông Tiền diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng nhanh hơn qui luật hàng năm; đã xuất hiện mặn 6,5 gam/lít tại Vàm Giồng (Gò Công Tây), cao nhất từ năm 1997 đến nay.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nước mặn đã lấn sâu vào đất liền 40km (tính từ Cửa Tiểu) và nồng độ mặn 2gam/lít đến gần bến đò Hòa Định (Chợ Gạo).

Với diễn biến mặn phức tạp, chính quyền địa phương đã cho đóng cống ngăn mặn Vàm Giồng, khiến mực nước trên kênh cấp I thấp hơn so với cùng kỳ. Do đó hiện nay có hơn 30.000ha lúa Đông Xuân ở hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây xuống giống trễ có nguy cơ thiếu nước tưới.

Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, diễn biến mặn năm nay tương đương so với trung bình nhiều năm trước, nhưng gặp nhiều bất lợi hơn do nông dân xuống giống trễ nên lúa cần nước nhiều.

Ngoài ra, mực nước nội đồng hiện xuống thấp hơn so với các năm trước, hiện mực nước trên kênh trục chính từ 0,73-0,79m, thấp hơn năm trước khoảng 20cm.

Để đảm bảo nước tưới cho trà lúa Đông Xuân ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các địa phương tập trung máy bơm để trữ nước trên ruộng, ao hồ, kênh rạch, chủ động bơm trữ nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục