Meta chọc giận Australia với kế hoạch ngừng trả tiền cho nội dung tin tức

Meta cho biết sẽ loại bỏ tính năng tab Tin tức (News tab) trên Facebook ở Australia và sẽ không gia hạn các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD với các nhà xuất bản tin tức.

Biểu tượng Meta tại California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Meta tại California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Meta Platforms, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook đình đám, vừa thông báo sẽ ngừng trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức ở Australia. Trước đây Facebook vẫn trả tiền để các nội dung tin tức được đưa lên mạng xã hội này tại Australia.

Động thái mới được đánh giá là sẽ khơi mào cho một cuộc chiến với chính quyền Australia, quốc gia đang đi đầu thế giới khi ban hành luật buộc các gã khổng lồ Internet như Meta phải thiết lập thỏa thuận mua bản quyền với các nhà xuất bản tin tức.

Phía các nhà xuất bản tin tức và các chính phủ như Australia lập luận rằng những công ty lớn như Facebook và Google được hưởng lợi một cách thiếu công bằng về doanh thu quảng cáo, khi liên kết (link) dẫn đến các bài báo xuất hiện trên nền tảng của họ. Để đáp trả, Meta đã giảm quy mô của hoạt động quảng cáo tin tức và nội dung chính trị, cho biết các liên kết tới nội dung tin tức hiện chỉ còn là một phần nhỏ trong nguồn cấp dữ liệu phục vụ người dùng Facebook.

Ngoài việc ngừng trả tiền nội dung tin tức, Meta cũng sẽ ngừng hoạt động một tab trên Facebook chuyên phục vụ việc quảng bá tin tức (News tab) ở Australia và Mỹ. Công ty cũng nói thêm rằng đã hủy tab tương tự tại các thị trường Anh, Pháp và Đức trong năm ngoái. “Chúng tôi sẽ không tham gia vào các thỏa thuận thương mại mới cho nội dung tin tức truyền thống ở các quốc gia này và sẽ không cung cấp các sản phẩm Facebook mới dành riêng cho các nhà xuất bản tin tức”, Meta khẳng định.

Hãng tin Reuters nhận định rằng quyết định mới có nghĩa Meta chống lại chính phủ Australia và một đạo luật nước này ban hành năm 2021, buộc các nền tảng công nghệ lớn phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức. “Ý tưởng rằng một công ty có thể thu lợi từ khoản đầu tư của người khác - ở không chỉ là đầu tư vốn mà còn cả việc đầu tư con người, vào hoạt động làm báo - là điều không công bằng”, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố trước các phóng viên. “Đó không phải là cách (làm) của người Australia,” ông nói thêm.

Chính phủ đang tham khảo ý kiến từ Bộ Tài chính và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) để triển khai các bước tiếp theo. Rod Sims, cựu chủ tịch ACCC và là người giám sát việc thiết kế đạo luật 2021, gọi sự thay đổi quyết định của Meta là ích kỷ. Ông bày tỏ sự lo ngại về tác động xã hội mà quyết định này gây ra, bởi nó làm suy giảm chất lượng báo chí xuất hiện trên mạng xã hội.

Theo đạo luật ban hành năm 2021, chính quyền Australia có trách nhiệm chỉ định một trung gian để đặt ra mức phí mà Meta phải trả cho các nhà xuất bản tin tức ở Australia. Chính quyền cũng có thể phạt Meta nếu công ty không hợp tác. Phần lớn các thỏa thuận trả tiền cho nhà xuất bản tin tức ở Australia mà Meta đã ký kết đều kéo dài 3 năm và sẽ hết hạn vào năm 2024.

Tuy nhiên, Meta không có nghĩa vụ phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức nếu công ty ngăn chặn không cho người dùng đăng lại đường liên kết tới các bài báo. Thực tế, công ty đã triển khai việc này trong một thời gian ngắn vào năm 2021. Công ty cũng áp dụng chính sách ngăn chặn tương tự ở Canada kể từ năm 2023, khi nước này thông qua luật giống Australia.

Tama Leaver, giáo sư nghiên cứu Internet tại Đại học Curtin ở Australia, nhận định Meta sẽ không muốn làm leo thang căng thẳng thông qua việc ngăn chặn người dùng đăng liên kết tin tức ở Australia. Nhiều khả năng, công ty sẽ có một cuộc đấu với chính quyền Australia trước tòa án, nếu chính quyền can thiệp.

“Meta đang đưa ra câu hỏi ‘các vị định làm gì nào?’ và chính quyền Australia là bên phải ra quyết định," ông nhận xét.

Các công ty truyền thông lớn nhất của Australia chỉ trích quyết định của Meta, gọi đây là một cuộc tấn công vào ngành báo chí. Dù giá trị cụ thể của các thỏa thuận mua tin tức không được tiết lộ, truyền thông Australia cho biết mỗi năm Facebook chi trả khoảng 70 triệu AUD (45 triệu USD) cho ngành này. Trong khi đó, các thỏa thuận cấp phép truyền thông mà Google ký tại Australia hầu hết có thời hạn 5 năm và sẽ hết hạn vào năm 2026. Một phát ngôn viên cho biết công ty đã bắt đầu đàm phán để gia hạn thỏa thuận.

Nhiều chính quyền thế giới rất quan tâm đến việc bảo vệ ngành tin tức, tránh để các cơ quan truyền thông địa phương bị những gã khổng lồ quốc tế đẩy ra khỏi thị trường quảng cáo trực tuyến. Tháng trước, Indonesia đã thông báo kế hoạch buộc các công ty công nghệ lớn phải trả tiền cho nội dung tin tức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục