Mexico: Hội thảo về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Hội thảo “Kinh doanh tại Việt Nam” vừa được tổ chức tại Culiacan, Mexico, với sự tham dự của 138 doanh nghiệp lớn của nước này.
Mới đây, tại thành phố Culiacan, thủ phủ bang Sinaloa, Tây Bắc Mexico, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với chính quyền bang và Hội đồng Doanh nghiệp Ngoại thương, Đầu tư và Công nghệ (COMCE) đã tổ chức Hội thảo “Kinh doanh tại Việt Nam.”

Hội thảo thu hút sự tham gia của Chính quyền bang, đại diện các Bộ Kinh tế, Nông nghiệp liên bang và 138 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, nông-lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh và sản xuất thiết bị tàu biển, khoáng sản.

Trong cuộc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Mexico Lê Thanh Tùng đã thông báo vắn tắt thành tựu công cuộc Đổi mới của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam và Mexico đều cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường và đối tác mới để phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Đại sứ hoan nghênh doanh nghiệp Mexico nói chung và bang Sinaloa nói riêng đến tìm hiểu thị trường và thiết lập quan hệ làm ăn, đầu tư tại Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực hai bên có thể bổ sung cho nhau như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chuyển giao công nghệ; hai bên cũng cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo và văn hóa.

Sau phần giới thiệu chung, Đại sứ Lê Thanh Tùng và Tham tán Thương mại Hoàng Anh Dũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Sinaloa về điều kiện, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài hoạt động hội thảo, Đại sứ Lê Thanh Tùng đã có cuộc gặp Thống đốc Mario Lopez Valdez và lãnh đạo bang Sinaloa. Phía bạn đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân, những thành tựu đổi mới của Việt Nam và nhất trí khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Bang Sinaloa nằm bên bờ Thái Bình Dương, chỉ chiếm khoảng 3% diện tích và 2% dân số của Mexico, nhưng sản xuất 30% tổng sản lượng lương-thực phẩm toàn quốc, đạt trình độ công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả, thịt bò, gà, lợn và thủy sản, được đánh giá là có điều kiện kinh doanh thuận lợi và chỉ số cạnh tranh cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục