Vẫn thiếu cơ chế mạnh

Minh bạch xăng dầu: Vẫn thiếu một cơ chế mạnh

Việc minh bạch hóa đưa xăng dầu theo nguyên tắc thị trường là đề tài được tranh luận sôi nổi nhất tại buổi Đối thoại trực tuyến chiều 20/12.
Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định nguyên tắc cơ bản là “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” nhưng việc thực hiện thời gian qua đã nảy sinh nhiều vướng mắc nhất là thời gian, thời điểm tăng và giảm giá...

Chính vì vậy, để có một cơ chế linh hoạt, đưa xăng dầu về theo đúng nguyên tắc thị trường là đề tài được tranh luận sôi nổi nhất tại buổi Đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/12.

"Lỗi" từ cơ chế


Từ đầu năm tới nay, giá bán lẻ xăng trong nước đã trải qua 6 lần giảm (tổng cộng 3.700 đồng) và 6 lần tăng (tổng cộng là 6.050 đồng mỗi lít), trong khi đó giá xăng thế giới chỉ tăng 3% so với 2011.

Lý giải điều này theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì nguyên nhân là do bất cập từ việc thực hiện cơ chế điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua.

"Nghị định 84/CP hầu như không vận hành đầy đủ, việc điều chỉnh giá theo thị trường nhưng doanh nghiệp không chủ động được và nhà nước can thiệp là chủ đạo. Bản chất, cơ chế kinh doanh theo Nghị định này mới chỉ là bước tiệm cận theo thị trường chứ chưa phải là thị trường hóa thực sự," ông Bảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về cách thức tính giá xăng dầu theo ông Bảo, đặc thù ở Việt Nam, giá xăng dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn phụ thuộc vào động thái điều hành thuế và Quỹ bình ổn. Tuy gọi là công thức tính giá theo thị trường nhưng có quá nhiều biến số mà bản thân doanh nghiệp không chủ động được.

Chẳng hạn, khi giá thế giới tăng, Nhà nước lại giảm thuế, xả Quỹ nên doanh nghiệp cũng không thể tăng giá theo đúng nhịp thế giới. Còn khi giá thế giới giảm, Nhà nước luôn hồi phục nguồn thu cho ngân sách bằng việc tăng thuế, dừng xả Quỹ hoặc tăng trích Quỹ nên doanh nghiệp cũng không thể giảm giá theo đúng biên độ giảm của giá thế giới.

Một điểm bất cập nữa là chi phí kinh doanh định mức, theo quy định của Bộ Tài Chính là 600 đồng mỗi lít xăng dầu nhưng do giá cả thị trường luôn biến động theo chiều hướng tăng và mức trên cũng chỉ đảm bảo cho chi phí quản lý của doanh nghiệp đầu mối còn chi phí thù lao dành cho tổng đại lý, đại lý do doanh nghiệp đầu mối tự cân đối trong lợi nhuận của mình khiến tình trạng bất ổn găm hàng chờ tăng giá vẫn xảy ra.

Trong giai đoạn lỗ giá vốn các doanh nghiệp đầu mối giảm thù lao đến mức thấp nhất khiến đại lý lỗ, kéo theo tình trạng bán cầm chừng. Còn khi có lãi, nhiều doanh nghiệp đầu mối tìm mọi cách tăng thù lao, giành giật, lôi kéo các đại lý ở hệ thống phân phối khác về với mình dẫn đến thị trường bất ổn, cạnh tranh gay gắt.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính, theo Nghị định 84/CP  việc tính giá cơ sở trong 30 ngày nên nhiều khi không phản ánh đúng tín hiệu thị trường.

"Khi xem xét sửa Nghị định 84/CP cũng cần tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường," ông Tuấn cho biết.

Sửa luật, bám sát thị trường

Bức xúc không nhỏ là sự "xung đột" lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. trong thời gian qua Tại buổi tọa đảm, thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú lý giải, mặc dù giá liên tục biên động nhưng theo yêu cầu của Chính phủ thì ưu tiên trước hết là đảm bảo quyền lợi của người dân, thứ hai là doanh nghiệp, thứ ba mới là Nhà nước.

“Tôi khẳng định điều này dù nhiều người còn nghi ngờ, nhưng tất cả các loại thuế và phí đều công khai minh bạch,” Thứ trưởng Tú nói.

Ông Tú cũng cho biết, Nghị định 84/CP chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Hiện tại, liên bộ Tài Chính-Công Thương đã hoàn thành việc rà soát Nghị định 84 sửa đổi và sẽ trình Chính phủ trong 1, 2 ngày tới.

Trong đó, một điểm đáng lưu ý nhằm minh bạch hóa giá xăng dầu khuyến khích cạnh tranh và đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, theo đó liên bộ cũng xem xét rút ngắn việc tính giá cơ sở xuống còn 10-15 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay.

Hiện cả nước có khoảng 13.500 cửa hàng xăng dầu, trong đó của Petrolimex khoảng 2.500, còn lại của các doanh nghiệp Nhà nước khác như PVOil, Xăng dầu quân đội và các cửa hàng xăng dầu tư nhân...

Để quản lý chất lượng xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng đinh, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải chịu trách nhiệm về hệ thống tổng đại lý, đại lý của mình, kể cả về chất lượng, nhưng điều đó không có nghĩa các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm.

"Chúng ta phải cùng kiểm soát hiện tượng gian lận, Bộ Công Thương phải đảm bảo không có cây xăng nào nghỉ bán, ngoài ra, Bộ Tài chính phải xem chi phí thế nào, Bộ Khoa học và Công nghệ đảm bảo cửa hàng bán lẻ không được bơm xăng dầu thiếu, không được pha... Không nên để doanh nghiệp đầu mối phải làm tất cả," thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.

Trả lời câu hỏi về việc Petrolimex có độc quyền chi phối thị trường hay không, ông Tú cũng nhấn mạnh, dù là đơn vị lớn nhất trong 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng Petrolimex cũng đang từng bước “nhường sân” cho các doanh nghiệp khác tham gia theo quy định của pháp luật.

Cụ thể là thị phần của Petrolimex hiện giảm xuống 48% so với 100% trước năm 1990 và chắc chắn "Không có chuyện doanh nghiệp này độc quyền bởi đang và sẽ có thêm các doanh nghiệp khác tham gia kinh doanh mặt hàng này, đồng thời giá bán cũng được doanh nghiệp thực hiện đấu thầu và chào hàng cạnh tranh trước khi thực hiện mỗi hợp đồng nhập khẩu," lãnh đạo Bộ Công Thương nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục