Toàn bộ số tài liệu mật do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden sao chép từ hệ thống chính phủ sẽ được công bố với các nhà báo và tổ chức báo chí có thái độ thiện chí hợp tác với cơ quan hiện đang nắm giữ số tài liệu này.
The Intercept, trang tin tức do nhà báo Glenn Greenwald thành lập, ngày 16/5 tuyên bố sẽ mời các nhà báo và cơ quan báo chí, bao gồm cả các đơn vị nước ngoài, hợp tác khai thác số dữ liệu do Snowden cung cấp.
Trong số đó, có những thông tin liên quan tới lợi ích cộng đồng và nên được công bố ra trước công chúng.
Ông Greenwald cho biết The Intercept đã "mở cửa" kho dữ liệu trên cho tờ Le Monde của Pháp cùng nhiều cơ quan báo chí khác.
Tuy nhiên, theo một thỏa thuận với Snowden, những nhà báo tham gia chương trình này phải tuân thủ một số quy tắc nhất định.
The Intercept cùng ngày cũng công bố hàng chục thư tín nội bộ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) trong đó có đề cập đến vai trò của cơ quan này trong hoạt động thẩm vấn tù nhân tại nhà tù Guantanamo.
Theo đó, NSA có một quan chức làm nhiệm vụ tiếp xúc hàng ngày với các thẩm vấn viên để đánh giá và khai thác các thông tin thu được từ những đối tượng bị giam giữ.
Trang mạng trên cũng công bố phiên bản đã qua biên soạn của 166 thư báo của NSA tên gọi "SIDtoday" trong đó bao gồm những báo cáo về các chương trình tuyệt mật của cơ quan này.
NSA hiện chưa trả lời báo giới về những thông tin mới nhất trên.
Năm 2013, Snowden, một nhân viên hợp đồng có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA, đã sao chép và làm rò rỉ nhiều thông tin mật liên quan tới các chương trình do thám toàn cầu của cơ quan này.
Chính quyền Mỹ đã buộc tội và ra lệnh bắt giữ Snowden, song ông này đã sang Moskva xin tị nạn.
Hiện Snowden đang được hưởng quy chế tạm trú tại Nga. Theo quy định của luật pháp Mỹ hiện hành, nếu bị đưa ra xét xử, cựu nhân viên CIA này có thể phải đối mặt với bản án 30 năm tù giam.
Các tiết lộ liên quan đến NSA đã gây rúng động thế giới, làm căng thẳng quan hệ của Mỹ với các đồng minh bởi thông tin rò rỉ cho thấy Washington đã lén theo dõi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Chính phủ Mexico cũng như nhiều quốc gia khác.
Sau vụ việc này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết minh bạch hóa hoạt động của NSA và Quốc hội Mỹ đã cải cách các dự luật liên quan việc theo dõi các cá nhân trên mạng./.