Mô hình giáo dục phổ thông sau năm 2015 đang được các chuyên gia Việt Nam và Đan Mạch phân tích, “mổ xẻ” tại Hội thảo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và trẻ em Đan Mạch tổ chức từ ngày 10 đến 12/12/2012, tại Hà Nội. Vẫn nhiều lúng túng
Tư tưởng chủ đạo của Chương trình giáo dục sau năm 2015 là sẽ hướng đến hình thành năng lực người học thay vì tập trung vào nội dung kiến thức như hiện nay. Chuẩn giáo dục không phải được đong đếm bằng lượng kiến thức văn hóa mà được xét trên ba phương diện là phẩm chất, kỹ năng học tập phổ quát và kỹ năng thuộc các lĩnh vực học tập. Ban soạn thảo đề án cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể cho từng phương diện. Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại về tính khả thi của việc chuyển đổi này.
Tư tưởng chủ đạo của Chương trình giáo dục sau năm 2015 là sẽ hướng đến hình thành năng lực người học thay vì tập trung vào nội dung kiến thức như hiện nay. Chuẩn giáo dục không phải được đong đếm bằng lượng kiến thức văn hóa mà được xét trên ba phương diện là phẩm chất, kỹ năng học tập phổ quát và kỹ năng thuộc các lĩnh vực học tập. Ban soạn thảo đề án cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể cho từng phương diện. Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại về tính khả thi của việc chuyển đổi này.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Đại học Sư phạm Huế, để chuyển đổi phải xác định mối quan hệ giữa hai loại hình này như thế nào. Việc xây dựng chương trình theo định hướng nội dung đã có cả quá trình dài. Vì thế, nó đã ăn mòn trong các chuyên gia. Phải làm sao để có sự thay đổi lớn ở một đội ngũ cũ là không đơn giản.
Vẫn theo ông Vũ, khi dạy theo hướng mới, bên cạnh việc xác định các năng lực đạt được, cần phải chỉ ra đào tạo nội dung gì để đạt được năng lực đó. Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội lại tỏ ra lo ngại về việc đánh giá học sinh theo năng lực vì năng lực không hình thành sau một bài, một chương mà phải mất một quá trình. Sau một bậc học hình thành được năng lực nào đó đã là khó. Cũng theo ông Thịnh, sẽ có mâu thuẫn trong việc đào tạo theo năng lực và việc học sinh phải chuẩn bị kiến thức để thi đại học. Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng chuyển từ giáo dục nội dung sang kỹ năng là khác biệt lớn. Vì thế, muốn có một sự đột phá như ban soạn thảo đề xuất, cần phải nhấn mạnh vấn đề phương pháp. “Nếu không có thì tất cả những điều mong muốn chỉ nằm trên giấy tờ mà thôi,” Tiến sĩ Phương nói. Dạy tích hợp có tiên tiến? Dạy học tích hợp được coi như là một trong những chìa khóa quan trọng trong giáo dục sau 2015 để có một chương trình giảm số đầu môn học bắt buộc, tăng các môn học, chủ đề tự chọn, giúp học sinh có vốn kiến thức rộng, gắn với thực tiễn và chuẩn bị tâm thế hướng nghiệp, hướng nghề. Hướng nghiên cứu này nhằm hạn chế tình trạng nhồi nhét kiến thức và quá tải nội dung trong các chương trình phổ thông hiện hành. Giáo sư Đinh Quang Báo cho biết, thay vì mỗi môn học có một cuốn sách giáo khoa, có thể đưa ra môn học tích hợp, nguyên liệu được tập trung để giáo viên và học sinh dễ nắm bắt. Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, có thể tích hợp trong phạm vi hẹp theo hướng gắn kết nội dung có liên quan của các phân môn trong một môn học và tích hợp trong phạm vi rộng các kiến thức liên quan đến hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dạy học tích hợp không mới và không phải là lựa chọn tốt. Bà Đỗ Thị Minh Đức, giảng viên môn địa lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore cấp phổ thông đều tích hợp địa lý với lịch sử, giáo dục công dân từ nhiều năm nay. “Tuy nhiên, các đồng nghiệp dạy ở các quốc gia này đều đang đấu tranh để ra khỏi tích hợp vì dạy theo cách này, cô trò đều khổ. Họ nói chúng tôi chưa 'bị tích hợp' là còn hạnh phúc. Tôi rất sợ việc tích hợp,” bà Đức chia sẻ. Trước những ý kiến lo lắng nhiều chiều của các đại biểu tham dự Hội thảo, nhìn ở góc độ tổng thể, Phó giáo sư Trần Kiều, Viện Khoa học Giáo dục nhận định: Có sự lúng túng của những người làm đề án trong việc phải tạo sự khác biệt trong xây dựng chương trình theo hướng phát triển năng lực với chương trình nội dung truyền thống. “Tôi cho rằng không có sự đối lập nào mà chỉ là sự mở rộng,” ông Kiều nói./.
Kinh nghiệm quốc tế: Có nhưng khó vận dụng
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Đan Mạch đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về đổi mới chương trình giáo dục.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, việc ứng dụng vào Việt Nam không đơn giản. “Giả sử có sách giáo khoa của Singapore theo định hướng đào tạo năng lực nhưng đem về dạy ở Việt Nam thì không thể theo được vì chúng ta không có điều kiện để đảm bảo như trình độ giáo viên, cơ sở vật chất...” Giáo sư Thịnh nói./.
|
Phạm Mai (Vietnam+)