Mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á và Nam Á giảm trong năm 2021

Số vụ khủng bố ở Indonesia, Malaysia, Phillipines và Bangladesh trong năm 2021 đã giảm xuống trong bối cảnh chính phủ các nước phải đối phó với đại dịch COVID-19 và áp đặt các quy định hạn chế đi lại.
Mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á và Nam Á giảm trong năm 2021 ảnh 1Cảnh sát bắt giữ một trong số những kẻ tình nghi khủng bố tại tỉnh Đông Java, Indonesia, ngày 18/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong năm 2021, các mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á và Nam Á đã giảm xuống. Đây là kết luận trong báo cáo thường niên vừa được Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore công bố.

Báo cáo cho thấy số vụ khủng bố ở Indonesia, Malaysia, Phillipines và Bangladesh trong năm 2021 đã giảm xuống trong bối cảnh chính phủ các nước phải đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng các quy định hạn chế đi lại đã “làm giảm xu hướng khủng bố.”

Trong khi đó, tại Thái Lan, số vụ bạo lực liên quan đến cuộc nổi loạn ở miền Nam nước này vẫn giữ nguyên so với năm 2020.

Tại Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, trong 2 năm qua, số vụ tấn công và âm mưu của các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan đã giảm so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Cũng theo báo cáo, hoạt động của nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD) trong giai đoạn 2020-2021 và sự sụt giảm các hoạt động khủng bố của nhóm Mujahideen (MIT) ở miền Đông Indonesia trong năm 2021 “có thể một phần do quy định hạn chế đi lại và việc tăng chi phí đi lại trong nước do tác động của đại dịch.”

Trong năm 2021, JAD có liên quan đến ít nhất 9 vụ, trong đó có 5 vụ sử dụng vật liệu nổ, 2 vụ đánh bom liều chết và 1 âm mưu đánh bom liều chết, ít hơn số vụ đánh bom năm 2020 (11 vụ).

[LHQ cảnh báo gia tăng các mối đe dọa khủng bố mới trong đại dịch]

Báo cáo nêu rõ mối liên hệ giữa COVID-19 với sự sụt giảm các hoạt động khủng bố ở Malaysia trong năm 2021. Nhà chức trách đã không thực hiện vụ bắt giữ nào liên quan đến khủng bố ở Bán đảo Malaysia - nhưng đã tiến hành khoảng 15 vụ trong khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Chín ở Sabah.

Phân tích cho thấy có 7 vụ bắt giữ trong năm 2020, 72 vụ trong năm 2019, 8 vụ trong năm 2018, 106 vụ trong năm 2017 và 119 vụ trong năm 2016. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại rằng các mối đe dọa đã chuyển sang hình thức trực tuyến.

Báo cáo nhấn mạnh: “Tại khu vực, các nhóm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưngt đã gia tăng hoạt động tuyển thành viên và cực đoan hóa thông qua mạng xã hội trong đại dịch.”

Lực lượng vũ trang Philippines đã được đánh giá cao nhờ giành lại các căn cứ khủng bố ở khu vực Mindanao, miền Nam nước này.

Theo các nhà phân tích, trên toàn Philippines, “số vụ khủng bố trót lọt đã giảm từ 134 vụ trong năm 2019 xuống còn 59 vụ trong năm 2020 và 17 vụ trong năm 2021.”

Báo cáo chỉ ra trong năm 2021, Bangladesh “có 2 vụ tấn công thất bại so với 4 vụ tấn công trót lọt trong năm 2020,” đồng thời cho biết nhà chức trách đã bắt giữ khoảng 130 nghi phạm khủng bố trên toàn quốc.

Theo báo cáo, tính đến tháng 11/2021, các nhóm nổi loạn đã gây ra 423 vụ bạo loạn tại khu vực biên giới phía Nam Thái Lan, khiến 104 người thiệt mạng và 169 người bị thương. Quy mô này tương đương năm 2020 với 335 vụ bạo loạn, khiến 116 người thiệt mạng và 161 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục