Mặc dù đã liên tục kêu cứu và kiến nghị, nhưng 18 thuyền viên trên 2 con tàu Hoa Sen và Sea Eagle hiện đang mắc kẹt ở nước ngoài vẫn chưa thể về Việt Nam. Lo lắng cho cuộc sống của con em mình, sáng nay (17/7), hàng chục người nhà của các thuyền viên đã có mặt tại trụ sở của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin để yêu cầu được đối thoại và tìm giải pháp. Lênh đênh trên “biển ngoại” Tháng 11/2012, dư luận cả nước xôn xao khi bức tâm thư của một thuyền viên tàu Sea Eagle được chuyển về nước. Trong thư, anh Chu Trọng Cường, thuyền phó 2 của tàu cho hay: “Sea Eagle là tàu trọng tải hơn 65.000 tấn. Vào thời điểm tháng cuối năm 2012, tàu đã phải nằm bất động tại LongShan ShipYard thuộc đảo Liu-heng, Zhoushan, Zhenjiang (Trung Quốc) từ năm 2008.” Cũng theo anh Cường, từ tháng 3/2011 đến nay, tàu không hề được sửa chữa bất cứ một bộ phận nào. Đáng chú ý, 9 thuyền viên trên chiếc tàu này sang công tác từ tháng 8/2011 với thời hạn hợp đồng là 10 tháng (cộng, trừ 1 tháng.) Hợp đồng lao động sẽ chấm dứt vào ngày 30/6/2012. “Vậy mà đến nay, đã 13 tháng từ khi hợp đồng chấm dứt, các thuyền viên vẫn chưa được về nước,” chị Chu Thị Kiên, chị gái thuyền phó Cường cho hay. Hơn nữa, theo thông tin mà Vietnam+ được anh Cường cung cấp từ nước ngoài thì anh mới chỉ nhận được 3 tháng lương. “Cuộc sống của 9 anh em trên tàu Sea Eagle hiện hết sức khó khăn,” anh Cường nói qua điện thoại. Cho tới thời điểm đầu tháng 5/2013, mọi sinh hoạt trên tàu này vô cùng thiếu thốn. Dầu DO không được cấp trong 10 tháng khiến không thể vận hành máy chạy để duy trì điện phục vụ đời sống anh em. Giai đoạn này, nước ngọt và dầu thắp sáng trên tàu cũng không được cấp. Hầu hết các thuyền viên đều rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về mặt tinh thần. Lá tâm thư của thuyền phó Cường cũng khẳng định: "Do thời gian neo đậu của tàu quá lâu nên tiền chi phí cảng và tiền sửa chữa tàu hiện đã quá giá trị tàu." Để nắm rõ hơn thông tin, vào 14 giờ chiều nay, 17/7, sau nhiều nỗ lực, phóng viên Vietnam+ đã liên lạc thành công với thuyền phó 2, Chu Trọng Cường. Anh Cường cho biết: Sau nhiều lần yêu cầu, vào ngày 17/6 vừa qua, tàu đã được cấp 6 tấn dầu DO để vận hành điện đảm bảo sinh hoạt. Ngoài ra, 9 thuyển viên trên tàu cũng đã được cấp gần 5.000 USD tiền ăn cho hai tháng 6 và 7. “Với số dầu mới được cấp, mỗi ngày anh em chỉ dám vận hành máy nhỏ để phát điện phục vụ sinh hoạt với thời gian 8 tiếng,” thuyền phó Cường nói.
Một phần tàu Sea Eagle (Ảnh: Thuyền phó Chu Trọng Cường gửi từ nước ngoài)
Mặc dù vậy, do neo đậu cách bờ 5-6km, nên khoảng 1 tuần, các thuyền viên mới có thể đi chợ. Lượng điện chạy máy không đủ để cấp đông nên thịt, cá mua về chỉ 2 ngày là hỏng. 9 thành viên trên tàu vẫn chủ yếu dùng đồ khô. Đáng lo ngại hơn, các thành viên tàu Sea Eagle cho hay, vào các ngày 26, 27, 28 tháng 6, tàu bị sự cố rối neo. Để đảm bảo an toàn, anh em buộc phải dùng phần lớn số dầu DO chạy máy phát công suất lớn để khắc phục. Vì vậy, hiện trên tàu chỉ còn khoảng hơn 1 tấn. “Số này chỉ đủ chạy tiết kiệm trong khoảng 10 ngày tới,” một thành viên Sea Eagle khẳng định với phóng viên. Ngoài 9 thành viên trên, hiện 9 thủy thủ khác cũng đang “mắc kẹt” trong hoàn cảnh tương tự với tàu Hoa Sen. “Nguyện vọng của anh em hiện chỉ là được về nước sớm cũng như được phía công ty trả hết tiền lương còn thiếu,” thuyền phó 2 Chu Trọng Cường khẩn thiết. Đến đây, cuộc gọi bị gián đoạn vì sóng điện thoại phía anh Cường không ổn định. Vẫn phải đợi chờ?
Lo lắng cho số phận con em mình đang lênh đênh xứ người, sáng 17/7, hàng chục thân nhân các thủy thủ 2 con tàu Sea Eagle và Hoa Sen đã tập trung tại trụ sở của Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinasinlines) để yêu cầu công ty đối thoại và tìm phương án khắc phục. Chị Chu Thị Kiên, người nhà của thuyền viên Chu Trọng Cường cho hay: “Đã quá lâu so với hợp đồng, người nhà chúng tôi không được về nước. Chúng tôi cũng đã 3 lần cầu cứu công ty nhưng chưa đạt kết quả. Vì vậy, mọi người đều hết sức lo lắng.” Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thái, người nhà thuyền viên Nguyễn Thanh Hải không giấu được sự sốt ruột, khẳng định: “Con trai tôi mỗi lần gọi về nhà đều cho biết điều kiện sống hết sức kham khổ, các thuyền viên hàng ngày không dám đi đâu. Nhiều người đã rơi vào tình trạng trầm cảm, tuyệt vọng sau những tháng ngày bị mắc kẹt.” Trả lời về vấn đề này, đại diện phía Công ty vận tải viễn dương Vinashin cho hay, hiện Chính phủ đã đồng ý cho Vinashinlines bán 2 tàu Hoa Sen và Sea Eagle để trả nợ. “Sau khi bán, công ty cam kết sẽ đưa thuyền viên về nước và chi trả toàn bộ lương đã nợ trong thời gian qua,” ông Nguyễn Văn Thoa, đại diện công ty nói.
Lo lắng cho số phận con em mình đang lênh đênh xứ người, sáng 17/7, hàng chục thân nhân các thủy thủ 2 con tàu Sea Eagle và Hoa Sen đã tập trung tại trụ sở của Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinasinlines) để yêu cầu công ty đối thoại và tìm phương án khắc phục. Chị Chu Thị Kiên, người nhà của thuyền viên Chu Trọng Cường cho hay: “Đã quá lâu so với hợp đồng, người nhà chúng tôi không được về nước. Chúng tôi cũng đã 3 lần cầu cứu công ty nhưng chưa đạt kết quả. Vì vậy, mọi người đều hết sức lo lắng.” Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thái, người nhà thuyền viên Nguyễn Thanh Hải không giấu được sự sốt ruột, khẳng định: “Con trai tôi mỗi lần gọi về nhà đều cho biết điều kiện sống hết sức kham khổ, các thuyền viên hàng ngày không dám đi đâu. Nhiều người đã rơi vào tình trạng trầm cảm, tuyệt vọng sau những tháng ngày bị mắc kẹt.” Trả lời về vấn đề này, đại diện phía Công ty vận tải viễn dương Vinashin cho hay, hiện Chính phủ đã đồng ý cho Vinashinlines bán 2 tàu Hoa Sen và Sea Eagle để trả nợ. “Sau khi bán, công ty cam kết sẽ đưa thuyền viên về nước và chi trả toàn bộ lương đã nợ trong thời gian qua,” ông Nguyễn Văn Thoa, đại diện công ty nói.
Các thuyền viên tàu Sea Eagle mong ngóng ngày về. (Ảnh do thuyền phó của tàu gửi)
Tuy nhiên, thời điểm bán thì vẫn chưa được ấn định chính xác bởi theo ông Thoa, “việc này rất mất thời gian vì chúng tôi phải báo cáo, bàn bạc để đảm bảo tính minh bạch tài chính và đảm bảo không làm hao hụt ngân sách của Nhà nước.” Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần thúc Vinashinlines hoàn thành việc bán tàu, đưa thuyền viên về nước. Hạn cuối được xác định là tháng 6/2013 nhưng đến nay, phía Vinashinlines vẫn chưa thể thực hiện. Lý giải điều này, ông Thoa nói: “Công ty đang bức xúc lắm chứ không phải không có động thái gì. Trong lúc vận tải biển khủng hoảng, một loạt tàu nằm không, chúng tôi cũng muốn bán lắm.” Trong khi đó, trước phản ánh của gia đình các thuyền viên về tình trạng khó khăn mà con em mình phải đối mặt, ông Bùi Trường Mạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Vinashinlines khẳng định: “Về đời sống, tôi nghĩ chưa đến mức độ căng quá! Chính phủ đã chỉ đạo cho Đại sứ quán các nước nếu khó khăn thì đến tận nơi tìm hiểu, giúp đỡ.” Ông Mạnh thừa nhận, trước tháng 12/2012, tình trạng thuyền viên bị đói là có bởi công ty gặp khó khăn chung về tài chính, toàn bộ cán bộ, nhân viên ở Hà Nội cũng bị cắt tiền ăn trưa và nợ lương. Hiện tại, tiền ăn cho thuyền viên, theo ông Mạnh vẫn được chi trả đều đặn ở mức 6 USD/người/ngày. Tuy nhiên, thay vì việc cấp khoảng 1,4 tấn dầu để duy trì mọi tiện nghi của tàu thì số dầu hiện tại mà hai con tàu này đang được cấp mỗi ngày chỉ còn vài chục lít. Với số dầu ít ỏi này, việc thuyền viên phản ánh với gia đình về tình trạng khó khăn, nóng nực không phải là điều khó lý giải. Trước mong muốn của các gia đình về việc sớm tìm ra giải pháp đưa các thuyền viên về nước, phương án cuối cùng được phía công ty đưa ra là vẫn phải “chờ đợi.” Theo thông tin ông Mạnh bước đầu cung cấp, ngày 21/7 tới, Tổng Giám đốc của Vinashinlines sẽ trực tiếp làm việc với các thuyền viên của hai con tàu tại nước ngoài sau đó sẽ trả lời người nhà thuyền viên bằng văn bản. Trong khi chờ đợi, 18 thuyền viên trên các tàu trọng tải lớn tại nước bạn vẫn mong ngóng ngày được hồi hương. Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc trên./.
Trong suốt một thời gian dài, một loạt thuyền viên của các tàu thuộc công ty vận tải Viễn dương Vinashin “kêu cứu” vì phải lênh đênh trên các vùng biển nước ngoài. Điển hình nhất vào tháng 10/2012, 15 thuyền viên tàu New Phoenix phản ánh tình trạng thiếu thốn, khó khăn khi tàu không vận hành, phải neo đậu trên cảng Dalian, Trung Quốc. Tiếp đó, lần lượt các tàu Hoa Sen, Sea Eagle cũng đồng loạt lên tiếng về tình trạng “bỏ hoang” tàu trên các điểm đỗ nước ngoài. Vinashinlines thành lập tháng 8/2000, trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN - Vinashin. Tháng 7.2010, công ty này được chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin. Đây cũng là công ty quản lý, khai thác tàu Hoa Sen mà Vinashin mua từ Italy về. Do những khó khăn nội tại của Vinashinlines và sự suy thoái của vận tải biển, đến thời điểm này Vinashinlines gặp rất nhiều khó khăn. |
Sơn Bách (Vietnam+)