Mỗi ngày có hơn 300 trẻ em và trẻ vị thành niên chết vì AIDS

Trong năm 2018, chỉ khoảng 54% bệnh nhân nhiễm HIV trong độ tuổi từ 0-14 tuổi (tương đương 790.000 trường hợp) được tiếp cận thuốc ART.
Mỗi ngày có hơn 300 trẻ em và trẻ vị thành niên chết vì AIDS ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 26/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ra thông báo cho biết trong năm 2018, trung bình một ngày đã có khoảng 320 trẻ em và trẻ vị thành niên tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đại dịch HIV/AIDS.

Thông báo của UNICEF nêu rõ bên cạnh những hạn chế trong công tác phòng ngừa, những khó khăn trong việc tiếp cận thuốc kháng virus (ART) chính là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tỷ lệ tử vong.

Trong năm 2018, chỉ khoảng 54% bệnh nhân nhiễm HIV trong độ tuổi từ 0-14 tuổi (tương đương 790.000 trường hợp) được tiếp cận thuốc ART.

Giám đốc điều hành của UNICEF Henrietta Fore khẳng định thế giới đã đạt bước tiến chưa từng có trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, song bà cũng cảnh báo: "Chúng ta không được bằng lòng với thành công từ những bước tiến này."

[Phát hiện đột biến gene thứ hai liên quan đến khả năng kháng HIV]

Các dữ liệu của UNICEF cho thấy sự mất cân đối giữa các khu vực trong việc đảm bảo quyền được điều trị cho trẻ em đang sống chung với HIV. Trong đó, mức độ tiếp cận điều trị tốt nhất được ghi nhận ở khu vực Nam Á (91%), tiếp theo là Trung Đông-Bắc Phi (73%), Đông và Nam Phi (61%), Đông Á-Thái Bình Dương (61%), châu Mỹ Latinh-Caribe (46%), Tây và Trung Phi (28%).

Tỷ lệ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị bằng ART nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm sang con đã gia tăng trên phạm vi toàn cầu, từ mức 44% tại thời điểm gần 10 năm trước lên 82% hiện nay.

Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Đứng đầu trong thống kê của UNICEF là khu vực Đông Nam Phi (92%), tiếp theo là châu Mỹ Latin và Caribe (79%), Tây và Trung Phi (59%), Nam Á (56%), Đông Á-Thái Bình Dương (55%) và Trung Đông-Bắc Phi (53%).

Theo bà Fore, mặc dù đối mặt nguy cơ nhiễm HIV nhưng nhiều trẻ em không được xét nghiệm và điều trị kịp thời đang gây ra những hậu quả nặng nề bằng chính mạng sống và tương lai của những bệnh nhi này.

Do đó, các sáng kiến trong cuộc chiến chống HIV phải được cung cấp đầy đủ về tài chính và trang thiết bị nhằm bảo vệ, cải thiện chất lượng sống trong những năm đầu đời của trẻ.

Năm 2018 ghi nhận thêm 160.000 trẻ em trong độ tuổi từ 0-9 tuổi bị phát hiện nhiễm HIV, nâng tổng số bệnh nhân trong nhóm tuổi này lên tới 1,1 triệu người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục