Moody's nâng triển vọng kinh tế Italy lên mức “ổn định”

Moody's cùng với các tổ chức khác là Fitch và S&P Global Ratings tái khẳng định xếp hạng cấp đầu tư của Italy trong những tuần gần đây mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho các kế hoạch kinh tế.

Cây thông Giáng sinh tại Piazza del Popolo ở thủ đô Rome, Italy, ngày 15/12/2022. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Cây thông Giáng sinh tại Piazza del Popolo ở thủ đô Rome, Italy, ngày 15/12/2022. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's của Mỹ đã xác nhận mức xếp hạng tín dụng của Italy là Baa3 và nâng triển vọng của nước này từ "tiêu cực lên "ổn định" nhờ sức mạnh kinh tế đáng kể.

Trong một thông báo, Moody's nêu rõ: “Quyết định thay đổi triển vọng từ tiêu cực sang ổn định phản ánh viễn cảnh ổn định về sức mạnh kinh tế của Italy, sự vững mạnh của ngành ngân hàng và động lực nợ của chính phủ. Triển vọng kinh tế theo chu kỳ trung hạn tiếp tục được hỗ trợ nhờ việc thực hiện Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (NRRP). Rủi ro đối với nguồn cung cấp năng lượng đã giảm bớt, một phần nhờ hành động chính sách mạnh mẽ của chính phủ.”

Moody's nói thêm rằng quyết định duy trì xếp hạng tín dụng của Italy trên mức rủi ro cao được hỗ trợ bởi “sức mạnh kinh tế đáng kể, bao gồm lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ, mức giàu có cao của hộ gia đình và mức nợ thấp của khu vực tư nhân."

Moody's cùng với các tổ chức xếp hạng khác là Fitch và S&P Global Ratings tái khẳng định xếp hạng cấp đầu tư của Italy trong những tuần gần đây mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho các kế hoạch kinh tế mà chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đặt ra.

Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti đã hoan nghênh công bố trên. Ông cho hay: “Tôi rất hài lòng với xếp hạng này. Đó là sự xác nhận rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đang làm việc hiệu quả vì tương lai của Italy.

Vì vậy, dựa trên đánh giá của Moody's và các cơ quan xếp hạng khác, chúng tôi hy vọng rằng các chính sách ngân sách thận trọng, có trách nhiệm và nghiêm túc của chính phủ... sẽ được Quốc hội ủng hộ.”

Ngân sách năm 2024 của chính phủ hiện đang trong tiến trình thông qua tại Quốc hội Italy và Thủ tướng Meloni cam kết sẽ hành động có trách nhiệm về ngân sách.

Thâm hụt ngân sách năm 2023 hiện được dự kiến là 5,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng từ mức 4,5% dự báo trước đó và 4,3% vào năm 2024.

Theo kế hoạch của chính phủ, chỉ đến năm 2026, thâm hụt ngân sách dự kiến mới giảm xuống dưới ngưỡng 3% GDP theo các quy tắc chi tiêu của Liên minh châu Âu (EU), vốn đã bị đình chỉ trong đại dịch COVID-19 cho đến cuối năm nay.

Khoản nợ công khổng lồ của Italy - mức cao thứ hai trong khu vực đồng euro tính theo GDP sau Hy Lạp - dự kiến sẽ tăng nhẹ từ mức dự kiến 140,2% GDP trong năm nay lên 141% vào năm 2025 và giảm xuống 139,6% vào năm 2026.

Một lo ngại khác là nền kinh tế Italy đang tăng trưởng chậm lại, do ảnh hưởng của tình hình ở Đức, đối tác thương mại chính của nước này.

Thống kê sơ bộ cho thấy nền kinh tế Italy đình trệ trong quý 3 năm 2023 so với quý trước, sau khi giảm 0,4% trong quý 2.

Các nhà phân tích dự báo hoạt động sẽ vẫn yếu trong những quý tới. Bộ trưởng Giorgetti cảnh báo rằng chính phủ có thể điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2023, hiện là 0,8%, trong bối cảnh lãi suất cao.

Tuần trước, Fitch đã xác nhận xếp hạng của Italy ở mức BBB, cao hơn hai bậc so với mức rủi ro cao, nêu bật “sự ổn định” của liên minh cầm quyền. S&P cũng đã xác nhận xếp hạng BBB của Italy vào cuối tháng 10 vừa qua, đồng thời cho rằng “tốc độ giảm nợ chính phủ sẽ chậm lại”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục