Một số đơn vị liên quan đến sự cố dầu thải ‘không hợp tác’

Liên quan đến sự cố nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, theo đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, một số đơn vị liên quan đã không hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Một số đơn vị liên quan đến sự cố dầu thải ‘không hợp tác’ ảnh 1Người dân tại 12 tòa chung cư HH Linh Đàm xếp hàng lấy nước sạch từ nơi khác chuyển đến vì nguồn nước tại đây không đảm bảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bất hợp tác, không báo cáo

Theo ông Lê Văn Dục-Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng tập hợp hồ sơ, bao gồm các báo cáo của Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông và Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà cũng như của các nhân viên vận hành nhà máy vào ngày 8/10/2019.

Đây là các đơn vị, cá nhân có tham gia vào việc quản lý, vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà; nhà cung cấp dịch vụ đã không kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng về sự cố. Tuy nhiên, cho đến nay các đơn vị và cá nhân này vẫn không hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chưa có báo cáo, cảnh báo, khắc phục việc để dầu vào nguồn nước chuyển các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị phía Viwasupco phải yêu cầu các cán bộ, công nhân khi phát hiện có dấu hiệu váng dầu vào ngày 8/10/2019 nhưng đã không báo cáo phải giải trình về việc này.

Trước mắt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Viwasupco cần tổ chức khắc phục ngay các chất dầu thải tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài.

Doanh nghiệp cần thực hiện ngay việc súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối; kể cả các bể chứa khu chung cư, địa bàn người dân sử dụng nước do Công ty cung cấp. Toàn bộ chi phí do Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà-Viwasupco chịu trách nhiệm.

Mặt khác, công ty phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại quy trình quản lý vận hành nhà máy, làm rõ nguyên nhân các khâu, các bộ phận giám sát chất lượng nguồn nước; nếu các thiết bị này không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cần xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà.

Ngoài ra, Viwasupco lên kế hoạch rà soát, đánh giá lại toàn bộ trang thiết bị đã đầu tư; có kế hoạch đánh giá chính xác chất lượng, tổ chức thay thế đảm bảo nâng cao chất lượng nước, đảm bảo tiêu chuẩn nước uống được tại vòi.

Một số đơn vị liên quan đến sự cố dầu thải ‘không hợp tác’ ảnh 2Trong khi chờ nguồn nước được xử lý triệt để, người dân Hà Nội vẫn đang hàng ngày phải xách từng can nước từ nơi khác chuyển đến. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Song song đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Y tế, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả của Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông và lãnh đạo Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà; xây dựng phương án vận hành điều tiết bổ sung nguồn nước từ các nguồn tập trung của Thành phố nhằm đảm bảo cấp nước an toàn như: Nguồn nước mặt sông Đuống, nhà máy Bắc Thăng Long…

Lý do gì khiến Viwasupco vẫn cấp nước bất chấp sự cố?

Trả lời về sự việc, ông Nguyễn Văn Tốn-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco cho biết lý do việc Viwasupco vẫn cấp nước. Ông Tốn nói: “Tại sao vẫn cấp nước? Vì ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì”.

Ông Tốn cho biết thêm: Sau ngày 10/10, Viwasupco cũng lấy mẫu nước đi phân tích chỉ tiêu B và C nhưng kết quả thì phải đợi từ 10-20 ngày.

Một số đơn vị liên quan đến sự cố dầu thải ‘không hợp tác’ ảnh 3Ông Nguyễn Văn Tốn-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tôi hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước. Có người bảo báo cáo thành phố [Hà Nội - PV] nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo,” ông Tốn nói.

Ông Tốn cho biết công ty này đã tham khảo chuyên gia và cũng nhận được phản biện nếu tạm dừng sản xuất thì phải có lý do gì để cắt nước. “Nếu bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu, trong khi đó nội kiểm nước vẫn đảm bảo”, ông Tốn nói về chất lượng nước do công ty tự xét nghiệm.

“Thâm tâm của tôi 80% là muốn dừng cấp nước, vì nghĩ nước có vấn đề. Trong tâm của tôi không bao giờ lấy tính mạng của người dân để kinh doanh”, ông Tốn nói. Sau sự việc ông Tốn cho biết công ty này sẽ họp rút kinh nghiêm, nếu phát hiện đơn vị nào sai thì sẽ xử lý.

Về việc chậm báo cáo, Tổng Giám đốc Viwasupco cho hay sau sự cố công ty này đã có báo cáo tới cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vì “chúng tôi ở trên địa bàn Hòa Bình thì có báo cáo tới cơ quan ở Hòa Bình chứ không báo cáo các cơ quan ở Hà Nội.”

[Làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco]

Ông Tốn cũng khẳng định là sau khi phát hiện sự việc, công ty đã thuê người dân cùng công nhân vớt dầu và dùng phao ngăn dầu lại đồng thời gọi điện cho chính quyền địa phương xuống lập biên bản nhưng sáng hôm sau cơ quan chức năng mới xuống.

“Sở dĩ công ty làm báo cáo ngày 10/10 vì trước đó tập trung lực lượng vớt dầu, kể cả bộ phận kế toán cũng ra xử lý dầu tràn. Công ty dừng sản xuất đến 12 giờ ngày 9/10", ông Tốn thông tin.

Ông Tốn cũng đưa ra lời xin lỗi đối với người dân và khẳng định sẽ “họp rút kinh nghiệm”.

Liên quan đến chất lượng nước sinh hoạt, Phó Giám đốc Sở Y Tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Styren nằm trong nhóm chỉ tiêu hai năm kiểm tra một lần. Theo quy định, nước sạch có 109 chỉ tiêu phải kiểm tra, trong đó 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B và 78 chỉ tiêu C. Các chỉ tiêu A và B sẽ được kiểm tra lần lượt là một tháng/lần, sáu tháng/lần, còn chỉ tiêu C thì hai năm/lần.

"Hiện chưa có tài liệu chính thống nào để xác định chất Styren vượt ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ra sao. Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy mẫu trên diện rộng để xác định chất lượng nước sạch sông Đà," ông Hạnh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục