Một số ngành chủ lực tụt dốc, xuất khẩu nông nghiệp quý 2 có khởi sắc?

Trong quý 2, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ đón những dấu hiệu tích cực hơn khi nền kinh tế của các thị trường nhập khẩu được cải thiện.
Một số ngành chủ lực tụt dốc, xuất khẩu nông nghiệp quý 2 có khởi sắc? ảnh 1Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quý 1/2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Câu hỏi được đặt ra là: Bước sang quý 2, liệu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản có khởi sắc?

"Quý buồn" của xuất khẩu lâm, thủy sản

Trong các mặt hàng xuất khẩu tụt giảm trong quý 1/2023, dẫn đầu là các sản phẩm thuỷ sản chủ lực như tôm giảm gần 40% so với cùng kỳ (đạt 578 triệu USD) và cá tra giảm 33,1% (đạt 422 triệu USD). Cùng với thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ cũng đối diện với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu lên tới 28,3% so với cùng kỳ (đạt 2,88 tỷ USD), sản phẩm mây, tre, cói cũng giảm 34,9% (thảm đạt 172 triệu USD).

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư Ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nan (VASEP) cho biết lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã tác động lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp bởi đây thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam. Cuộc khủng hoảng này còn lan sang cả các thị trường khác là Canada và EU.

Thêm vào đó, năm 2022, các nhà nhập khẩu mua nhiều bởi lo sợ có thể xảy ra những đợt đứt gãy nguồn cung. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ không được như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi lạm phát khiến hàng tồn kho tăng lên. Do đó, các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng, giảm giá để xả kho, chuẩn bị cho các đợt hàng mới. Điều này khiến cả giá và nhu cầu thuỷ sản nhập khẩu tai các thị trường thời điểm này đang giảm sút.

[Khó khăn do lạm phát toàn cầu, xuất siêu nông sản quý 1 giảm gần 40%]

Cùng với thuỷ sản, ngành gỗ cũng gặp những khó khăn, thách thức do hàng tồn kho lớn, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Thông thường đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa Hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là số lượng nhỏ và chỉ tới tháng 6/2023.

Tín hiệu tích cực trong quý 2 

Trái ngược với sự “tụt dốc" của thuỷ sản và ngành gỗ trong quý 1, xuất khẩu gạo và rau quả lại tăng trưởng ổn định. Được xếp vào ngành hàng tỷ USD trong quý 1/2023, rau quả ghi nhận mức tăng trưởng 11% nhờ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế và nhiều loại trái cây giá trị cao như sầu riêng, chanh leo được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân.

Trong quý 1/2023, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây. 

Một số ngành chủ lực tụt dốc, xuất khẩu nông nghiệp quý 2 có khởi sắc? ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ngành nông nghiệp cần tập trung vào nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu để có phương án tiêu thụ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp đà xuất khẩu tăng của quý 1, bước sang quý 2/2023, ngành rau quả và gạo đều được sự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Xuất khẩu gạo các quý tiếp theo và cả năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Trung Quốc… 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đưa ra nhận định lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả trong năm 2023, trong đó có sự “lên ngôi” của trái sầu riêng. Nếu kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỷ USD thì sẽ góp phần mang lại tổng kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng rau quả vào khoảng 4 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2022.

Đối với những ngành đã có sự tụt giảm mạnh trong quý 1, những tín hiệu tích cực hơn được dự báo sẽ bắt đầu đến vào cuối quý 2 khi tình trạng tồn kho được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ cũng bắt đầu tăng trở lại.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo xuất khẩu thủy sản cuối quý 2 hoặc đầu quý 3 có thể sẽ phục hồi khi thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, tiêu thụ và những tác động của xung động Nga-Ukraine lắng xuống.

Ông Bá Anh khuyến nghị trong thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên chú ý vào thị trường có sức bật và cự ly gần như Trung Quốc, Nhật Bản.

Trong khi đó, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thông qua các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với các hoạt động hội chợ được tổ chức trong quý 1/2023, các doanh nghiệp đã có những đơn hàng từ các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản. Dự kiến, thị trường sẽ phục hồi dần và dự báo khoảng hết quý 2/2023 thị trường xuất khẩu sẽ bắt đầu khởi sắc trở lại.

Mặc dù xác định thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành đạt từ 2,9-3% trong quý 2/2023 với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD.

Một số ngành chủ lực tụt dốc, xuất khẩu nông nghiệp quý 2 có khởi sắc? ảnh 3Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh để đạt được mục tiêu, đơn vị này sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Về mở rộng thị trường, nhà chức trách sẽ xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, chú trọng thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Trong quý 2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Một số hoạt động cũng sẽ được triển khai là tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam-Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh; chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh nằm trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Vương quốc Anh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp cần tập trung vào nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục