So với các biến thể khác thì biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi (B.1.351) có khả năng cao hơn xuyên thủng "lớp phòng thủ" hình thành trong cơ thể sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Đây là kết quả nghiên cứu mới được các chuyên gia Israel công bố, càng cho thấy mức độ nguy hiểm của biến thể Nam Phi, một trong những biến thể có khả năng lây lan cao nhất từng được phát hiện cho tới nay.
Nghiên cứu do các chuyên gia đến từ Đại học Tel Aviv và Dịch vụ y tế Clalit, nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất tại Israel, phối hợp thực hiện.
Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia đã tiến hành so sánh nhóm 400 người chưa được tiêm vaccine, bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 và nhóm 400 người khác đã được tiêm một mũi hoặc đầy đủ 2 mũi, cũng bị nhiễm virus.
Trên thực tế, biến thể của virus phát hiện tại Nam Phi chỉ được tìm thấy trong chưa đầy 1% tổng số ca mắc bệnh tại Israel.
Tuy nhiên, trong số 150 người tham gia nghiên cứu đã được tiêm đầy đủ và mắc bệnh, tỷ lệ hiện mắc (biến thể của virus tại Nam Phi) cao hơn gấp 8 lần so với tỷ lệ ở nhóm chưa được tiêm.
Điều này đồng nghĩa rằng vaccine của Pfizer/BioNTech dù có hiệu quả bảo vệ cao vẫn có thể bị suy yếu trước biến thể tại Nam Phi.
[Dịch COVID-19: Vaccine có hiệu quả khác nhau với các biến thể chính]
Theo Giáo sư Adi Stern, giảng dạy tại Đại học Tel Aviv, một trong những tác giả của nghiên cứu, các kết quả trên cho thấy biến thể của virus tại Nam Phi trong một chừng mực nào đó có thể xuyên thủng lớp phòng vệ do vaccine tạo ra để bảo vệ cơ thể trước COVID-19.
Bà cũng cho biết số lượng người đã được tiêm vaccine mà vẫn nhiễm biến thể của virus Nam Phi là rất thấp (8 người trong tổng số) nên nhóm không thực hiện nghiên cứu tiếp theo để đánh giá nguy cơ bệnh nặng.
Trước đó, trong các nghiên cứu công bố hồi tháng 2 trên tạp chí New England Journal of Medicine, các nhà phát triển vaccine Pfizer và Moderna cũng cho biết khả năng miễn dịch ở những người được tiêm vaccine của các hãng này suy giảm khi được cho là phơi nhiễm biến thể ở Nam Phi.
Như vậy, nghiên cứu mới của các chuyên gia Israel, cũng là nghiên cứu đầu tiên về tác động thực tế của biến thể virus Nam Phi, đã góp phần chứng minh mức độ nguy hiểm của nó.
Israel đã tiêm vaccine mũi đầu cho 5,3 triệu người trong khi 4,9 triệu người (tương đương 53% dân số) được tiêm phòng đủ 2 mũi và là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19.
Điều này giúp các nhà khoa học Israel có điều kiện thuận lợi để thực hiện những nghiên cứu thực tiễn về tác dụng của vaccine. Một nghiên cứu trước đó do Clalit thực hiện với 1,2 triệu người Israel chỉ ra vaccine của Pfizer/BioNtech mang lại hiệu quả bảo vệ 94% trước COVID-19.
Nhờ thành công của chiến dịch tiêm chủng, Chính phủ Israel cũng đã quyết định nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế để mở đường khôi phục nhịp sinh hoạt và sản xuất tại quốc gia này. Tuy nhiên, các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang và triển khai hệ thống cấp và xác nhận tiêm vaccine cho phép người dân tới những địa điểm nhất định vẫn được duy trì.
Các chuyên gia của Clalit cho rằng nghiên cứu kể trên sẽ sẽ góp những thông tin cần thiết cho chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Qua đó, Clalit lưu ý các biện pháp như tiêm phòng, đeo khẩu trang và một số biện pháp an toàn khác cần được duy trì để phòng biến thể Nam Phi, giảm thiểu nguy cơ lây lan loại biến thể nguy hiểm này xuống ngưỡng an toàn./.