Từ năm 2015, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hội nhập hết sức sâu rộng, điều đó cũng đồng nghĩa ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn của thị trường quốc tế. Trước tình hình đó, nền nông nghiệp phải có những chuyển biến mạnh để đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Đặc biệt, với những thành tựu của khoa học công nghệ như hiện nay, một nền nông nghiệp cạnh tranh thành công chắc chắn phải bắt đầu từ ngành giống đạt trình độ của quốc tế.
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị công tác giống cây trồng, vật nuôi, do Bộ này tổ chức ngày hôm nay (5/12), tại Hà Nội.
Đánh giá những thành công trong thời gian qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu rõ, công tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống đã tạo ra bộ giống đa dạng áp dụng cho sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, hiện số lượng giống được công nhận nhiều nhưng giống chất lượng và giá trị thương mại chưa thực sự hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, từ năm 2008-2014, cả nước có 126 giống lúa được công nhận, nhưng những giống trồng phổ biến hiện nay ở các tỉnh phía Bắc chỉ gồm 3 giống do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương nghiên cứu chọn tạo (RVT, Thiên ưu 8, Khang dân đột biến), 2 giống được nhập nội từ Trung Quốc (giống Bắc thơm số 7 và Hương thơm số 1) và giống BC 15 do Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo là giống chủ lực của tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa.
Các giống cây lâm nghiệp đã được công nhận là 189 loại nhưng số giống được áp dụng phổ biến trong sản xuất chỉ đạt khoảng 30%.
Trong khi đó, hiện nay nước ta vẫn phải nhập khẩu với lượng giống lớn. Cụ thể, hiện nay Việt Nam nhập khẩu khoảng 65% giống lúa lai, hơn 90% giống gà, 74% giống lợn…
Điều này thể hiện rõ sự yếu kém trong công tác chọn giống của các đơn vị chuyên ngành. Mặt khác, quá trình chuyển giao giống mới vào sản xuất còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các Viện nghiên cứu với các đơn vị sản xuất giống, nhất là các doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định rằng, để đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, các loại nông sản của nước ta phải bám sát những yêu cầu của thị trường quốc tế, cạnh tranh cả về năng suất và chất lượng; ngành giống cũng cần được công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mặt khác, ngành giống phải tập trung vào các loại cây con chủ lực có lợi thế, tạo điều kiện để cho nông nghiệp thích ứng hiệu quả hơn đối với những thay đổi của khí hậu, đất đai và nguồn nước và phát huy cao hơn những lợi thế tự nhiên của quốc gia và của từng vùng.
“Cùng với đó, các đơn vị ban ngành cần có định hướng đổi mới cơ chế chính sách đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu chọn tạo giống. Đặc biệt, nhiệm vụ, cấp bách hiện nay là sớm đưa ngành giống của chúng ta vươn tới trình độ công nghệ của quốc tế và nâng cao hiệu quả quản lý giống,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ./.