Ngày 25/6, Tổng Y sỹ Mỹ, Tiến sỹ Vivek Murthy cảnh báo bạo lực súng đạn là một “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng” và kêu gọi các biện pháp kiểm soát súng đạn trên quy mô lớn, vốn là vấn đề gây tranh cãi lâu nay trên chính trường Mỹ.
Đây là cảnh báo trong báo cáo đầu tiên về bạo lực súng đạn của người đứng đầu dịch vụ y tế công cộng Mỹ vốn có thẩm quyền hạn chế nhưng đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, một báo cáo tương tự về thuốc lá cũng có ý nghĩa quan trọng đầu tiên để thay đổi nhận thức về sự nguy hiểm của sản phẩm này, tạo tiền đề cho sự ra đời những quy định mới, góp phần giảm mạnh mức tiêu thụ.
Với báo cáo của mình, Tiến sỹ Murthy hy vọng có thể góp phần vào nỗ lực loại bỏ vấn đề súng đạn ra khỏi lĩnh vực chính trị và gắn vào lĩnh vực y tế công cộng. Ông kêu gọi nước Mỹ cần đầu tư vào nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, hỗ trợ sức khỏe tâm thần và kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua súng.
Báo cáo của Tổng Y sỹ Murthy trích dẫn dữ liệu của Chính phủ Mỹ và một số dữ liệu khác cho thấy Mỹ là nước có tỷ lệ tử vong và thương tích cao do súng đạn, đặc biệt là đối với trẻ em. Theo đó, súng đạn đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người Mỹ từ 1 đến 19 tuổi, xếp trên cả tai nạn xe cơ giới. Năm 2022, hơn 48.000 người Mỹ đã chết vì súng đạn, các nạn nhân chủ yếu là người da màu và nam giới.
Tổng thống Joe Biden và các nhà hoạt động thúc đẩy kiểm soát súng đạn tại Mỹ đã kêu gọi thực hiện các biện pháp kiểm soát súng đạn khi nước này thường xuyên chứng kiến các vụ xả súng hàng loạt, kể cả ở trường học, nhưng các cuộc cải cách vẫn là đề tài tranh cãi trong chính trường Mỹ./.
Thắt chặt kiểm soát súng đạn có thể cứu mạng hàng trăm nghìn người tại Mỹ
Theo thống kê, bang California đứng đầu danh sách về mức độ nghiêm ngặt của luật kiểm soát súng đạn, với số điểm đạt được là 89,5/100 điểm - mức cao nhất trong 50 bang tại Mỹ.