Bộ Giao thông Mỹ ngày 14/4 đã giải ngân gần 10 tỷ USD cho các sân bay Mỹ vốn đang phải vật lộn với nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản tiền nói trên vào cuối tháng trước và Bộ Giao thông trước đó đã giải ngân 25 tỷ USD cho các hệ thống giao thông công cộng cùng 1 tỷ USD cho tuyến đường sắt hành khách Amtrak của Mỹ.
Khoản tiền này sẽ bao gồm 377 triệu USD cho hai sân bay lớn của Chicago, 338 triệu USD cho Atlanta, 323 triệu USD cho Los Angeles, 299 triệu USD cho Dallas-Fort Worth, 295 triệu USD cho hai sân bay lớn của New York, 255 triệu USD cho San Francisco, 206 triệu USD cho Miami...
Các sân bay có thể sử dụng khoản tiền nói trên để chi trả phí hoạt động bao gồm tiền lương cho nhân viên, các nhu cầu thiết yếu và thanh toán nợ.
Trước đó, các sân bay đã cảnh báo họ dự kiến sẽ lỗ ít nhất 13,9 tỷ USD trong năm nay vì nhu cầu đi lại đã giảm 95% do dịch bệnh. Một số sân bay thậm chí cho biết họ có thể không thể trả được cả gốc lẫn lãi cho khoản nợ nếu không có sự trợ giúp của chính phủ.
[Mỹ: Các hãng hàng không đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ với Bộ Tài chính]
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và các hãng hàng không lớn của Mỹ đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch hỗ trợ tài chính trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhằm giúp các hãng có thể trả lương cho công nhân và tránh tình trạng phá sản trong ngành công nghiệp đang tuyển dụng 750.000 lao động này.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã thỏa thuận với 10 hãng hàng không Mỹ, bao gồm 4 hãng lớn nhất là Delta Air Lines, American Airlines, United Airlines và Southwest Airlines.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết ông đang làm việc với các hãng hàng không để hoàn tất các thỏa thuận cần thiết và giải ngân gói hỗ trợ nhanh nhất có thể. Trong khi chi tiết cụ thể của thỏa thuận không được tiết lộ, một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết Chính phủ Mỹ sẽ trở thành cổ đông nắm giữ thiểu số cổ phần trong các hãng hàng không.
Một số hãng ban đầu đã tỏ ra ngần ngại chấp nhận khoản hỗ trợ vì sợ sẽ bị quốc hữu hóa bất chấp những thiệt hại do đại dịch gây ra.
Quốc hội Mỹ hồi tháng trước đã phê duyệt kế hoạch kích thích trị giá 2.200 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Gói này bao gồm 25 tỷ USD cho các hãng hàng không để giúp họ tiếp tục trả lương và duy trì các phúc lợi cho nhân viên tới ngày 30/9 tới./.