Mỹ cảnh báo hậu quả của việc lạm dụng biện pháp trừng phạt

Việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế là cần thiết đối với lợi ích của Mỹ song lạm dụng các biện pháp này sẽ gây tổn hại đến vai trò của Mỹ trong nền kinh tế thế giới.
Mỹ cảnh báo hậu quả của việc lạm dụng biện pháp trừng phạt ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew. (Nguồn: Reuters)

Việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế là cần thiết đối với lợi ích của Mỹ song việc lạm dụng các biện pháp này sẽ gây tổn hại đến vai trò của Mỹ trong nền kinh tế thế giới.

Cảnh báo này được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đưa ra khi đánh giá về tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với một số nước và tổ chức trên thế giới.

Trong bài phát biểu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ngày 30/3, Bộ trưởng Lew đã đưa ra quan điểm thận trọng khi cho rằng không nên quá nóng vội áp dụng các lệnh trừng phạt.

Theo ông, cần phải ý thức được nguy cơ của việc lạm dụng các lệnh trừng phạt - đó là làm suy yếu vị thế hàng đầu của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu cũng như chính tính hiệu quả các biện pháp này.

Ông cảnh báo việc áp đặt quá nhiều lệnh trừng phạt sẽ "đẩy hoạt động kinh doanh ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ," theo đó các công ty nước ngoài sẽ không còn muốn làm ăn tại Mỹ hoặc giao dịch bằng đồng USD nếu họ nhận thấy các biện pháp trừng phạt của Washington là không thỏa đáng.

Điều này có thể trở nên nghiêm trọng hơn "nếu xuất hiện những quốc gia khác thay thế Mỹ làm trung tâm của hoạt động tài chính, và có những đồng tiền khác thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ ưu việt của thế giới."

Để củng cố quan điểm của mình, người đứng đầu ngành tài chính Mỹ đã viện dẫn Iran và Cuba như là 2 trường hợp điển hình mà Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt nhưng mang lại hiệu quả khác nhau.

Theo Bộ trưởng Lew, các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran là "một ví dụ mạnh mẽ cho thấy những nỗ lực của cộng đồng quốc tế kết hợp với các giải pháp ngoại giao nghiêm túc có thể đạt được thành công."

Ông nhấn mạnh việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo đã mang lại sự thay đổi khi Tehran thay đổi chính sách và tuân thủ các cam kết đối với chương trình hạt nhân.

Ngược lại, đối với Cuba, Bộ trưởng Lew cho rằng các biện pháp cấm vận đơn phương đối với đảo quốc Caribe này trong 5 thập kỷ qua là một minh chứng cho thấy các lệnh trừng phạt là sai lầm khi không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Dựa trên những bài học trước đó, Bộ trưởng Lew đã vạch ra hướng đi của Washington trong việc giải quyết các nguy cơ lớn như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Cụ thể, đối với Triều Tiên, Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng, cùng cộng đồng quốc tế trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Triều Tiên.

Trong khi đó, đối với IS, ông Lew nhận định việc triển khai các biện pháp trừng phạt đối với IS có thể gặp nhiều thách thức bởi tổ chức này có tiềm lực tài chính mạnh và chúng có các nguồn thu riêng, khác với các tổ chức khủng bố khác như al-Qaeda hay Hezbollah khi dựa vào các tổ chức hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ sẽ từng bước tấn công làm suy yếu IS thông qua việc sử dụng các lệnh trừng phạt như một phần nỗ lực nhằm cắt giảm các nguồn lực tài trợ chúng cũng như ngăn chặn tổ chức này tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục