Nhà chức trách Mỹ can thiệp vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard

Lãnh đạo Microsoft từng tuyên bố rằng thương vụ mua lại công ty Activision Blizzard sẽ “đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các nền tảng metaverse”.
Nhà chức trách Mỹ can thiệp vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard ảnh 1Đầu tuần này, Microsoft đã tìm cách xoa dịu các mối quan ngại khi thông báo sẽ cho phép thiết bị chơi game cầm tay Nintendo Switch của Nintendo truy cập game "Call of Duty." (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Nỗ lực của Microsoft nhằm sở hữu Activision Blizzard, một động thái nhằm xây dựng các ý tưởng liên quan tới vũ trụ ảo mMetaverse, đã gặp trở ngại từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).

FTC đã tìm cách ngăn Microsoft mua lại gã khổng lồ về trò chơi điện tử (game) nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động sản xuất máy chơi game hiệu năng cao và dịch vụ thu phí liên quan.

Trong lá đơn gửi lên tòa án vào ngày 9/12 nhằm ngăn chặn thương vụ, FTC lập luận rằng Microsoft và Sony đã và đang kiểm soát ngành công nghiệp sản xuất máy chơi game hiệu năng cao thông qua các sản phẩm tương ứng là XBOX và Play Station. Vì vậy, việc hãng mua lại Activision Blizzard sẽ làm tăng thêm sức mạnh và làm mất thế cân bằng của thị trường.

Holly Vedova, Giám đốc Cục Cạnh tranh của FTC, viện dẫn một hoạt động sáp nhập trước đây của Microsoft, khi công ty mua lại ZeniMax và sau đó đã hạn chế xuất bản các trò chơi phổ biến của công ty này, chẳng hạn như Starfield và Redfall.

Các sản phẩm trên đã chỉ được phát hành riêng cho máy XBOX và không xuất hiện trên bất kỳ nền tảng nào khác. Bà nói thêm: "Microsoft đã từng cho thấy rằng họ có thể và sẽ thu hồi các nội dung khỏi nền tảng của các công ty game đối thủ."

[Microsoft bị điều tra chống độc quyền với vụ mua Activision Blizzard]

FTC thậm chí còn cho rằng chuyện tương tự có thể xảy ra với một số trò chơi ăn khách trong hệ sinh thái của ActivisionBlizzard như Call of Duty, World of Warcraft, Diablo và Overwatch.

Tuy nhiên, những lo ngại của FTC lại ảnh hưởng một cách gián tiếp đến những sáng kiến về metaverse của Microsoft. Trước động thái của FTC, Chủ tịch Microsoft Brad Smith khẳng định thương vụ này sẽ mở rộng cạnh tranh, tạo thêm cơ hội cho người chơi và các nhà phát triển game. Phía Microsoft cũng khẳng định sẵn sàng trình bày lập trường trước tòa.

CEO Activision Blizzard, Bobby Kotick nhận định các cáo buộc của FTC không phù hợp với thực tế, đồng thời bày tỏ lạc quan về việc đạt được thỏa thuận với Microsoft.

Ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh cũng đã mở cuộc điều tra đối với thương vụ do lo ngại thỏa thuận sẽ khiến Microsoft sở hữu độc quyền các game nổi tiếng của Activision Blizzard.

Nhà chức trách Mỹ can thiệp vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard ảnh 2Các tựa game nổi tiếng thuộc sở hữu của Activision Blizzard. (Nguồn: Microsoft)

Chống độc quyền là một trong những nhiệm vụ chính của FTC. Hồi tháng 7, FTC đã đâm đơn kiện gã khổng lồ mạng xã hội Meta, công ty mẹ của Facebook, cáo buộc “mục tiêu cuối cùng của họ là sở hữu toàn bộ vũ trụ ảo metaverse.

“Như Meta đã nhận ra, những ảnh hưởng tới từ các nền tảng kỹ thuật số có thể khiến họ trở nên quyền lực hơn - và các đối thủ sẽ yếu hơn, ít có khả năng cạnh tranh lại nghiêm túc hơn - vì nền tảng mà họ phát hành thu hút được nhiều người dùng, nội dung và nhà phát triển hơn,” FTC cho biết trong đơn khiếu nại.

Vào tháng 10 năm nay, một cổ đông của Meta đã thúc giục công ty cắt giảm khoản đầu tư hàng năm họ vào metaverse.

Theo Brad Gerstner, CEO kiêm người sáng lập công ty đầu tư công nghệ Altimeter Capital, khoản đầu tư từ 10 tỷ đến 15 tỷ USD mỗi năm mà Meta đổ vào việc xây dựng metaverse có thể phải mất tới cả thập kỷ nữa mới mang lại lợi nhuận.

Gerstner cho hay: “Khoản đầu tư có thể lên tới hơn 100 tỷ USD vào một tương lai không rõ ràng là cực kì đáng sợ, ngay cả theo tiêu chuẩn của thung lũng Silicon./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục