Mỹ đối mặt với cuộc đánh giá của LHQ về chống phân biệt chủng tộc

Các phiên điều trần sẽ kéo dài đến ngày 12/8 và sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó có việc cảnh sát sát hại người da màu, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhà ở.
Mỹ đối mặt với cuộc đánh giá của LHQ về chống phân biệt chủng tộc ảnh 1Người biểu tình tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Công viên thành phố Grand Rapids, bang Michigan, Mỹ, ngày 15/4. (Ảnh: AP/TTXVN)

Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD) của Liên hợp quốc ngày 11/8 bắt đầu tiến hành phiên điều trần tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm đánh giá việc Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong việc chống nạn phân biệt chủng tộc như thế nào.

Dự kiến, các phiên điều trần sẽ kéo dài đến ngày 12/8 và sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó có việc cảnh sát sát hại người da màu, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhà ở và môi trường lành mạnh.

CERD gồm 18 chuyên gia độc lập sẽ đánh giá việc Mỹ cũng như các quốc gia khác tuân thủ Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), trong đó Mỹ đã phê chuẩn vào năm 1994, như thế nào.

[Người gốc châu Á tại Mỹ vẫn đối mặt với các hành vi thù ghét]

Trước khi diễn ra cuộc đánh giá đầu tiên nói trên về hồ sơ chủng tộc của Mỹ kể từ năm 2014 đến nay, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Mỹ chưa giải quyết thỏa đáng các vi phạm đối với người da màu.

Mỹ cử 1 phái đoàn gồm 23 thành viên để tranh luận tại các phiên điều trần tại Geneva và trả lời các câu hỏi của các thành viên CERD, những người sẽ đưa ra kết luận của họ vào ngày 30/8 tới.

Trong một tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh họ cam kết giải quyết những thách thức của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở cả trong và ngoài nước.

Mỹ đã tiến hành 4 vòng tham vấn với các bên liên quan để chuẩn bị cho cuộc điều trần trên của CERD, trong đó có 1 vòng ở Geneva vào ngày 10/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục