Mỹ đón nhận thông tin tích cực đầu tiên nhờ triển khai tiêm chủng

Dữ liệu của CDC cho thấy số người đã nhận ít nhất một mũi tiêm phòng COVID-19 tại Mỹ là gần 85,5 triệu người, tương đương 25,7% dân số của quốc gia này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Mashantucket, Connecticut, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Mashantucket, Connecticut, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố ngày 24/3 cho thấy hơn 25% tổng dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19.

Đây cũng là ngày Mỹ đón nhận những tín hiệu tích cực đầu tiên khi số liệu thực tế chỉ ra số ca nhập viện ở nhóm người cao tuổi và số ca nhiễm ở nhóm nhân viên y tế đã giảm đáng kể sau khi được tiêm phòng.

Dữ liệu của CDC cho thấy số người đã nhận ít nhất một mũi tiêm phòng COVID-19 tại Mỹ là gần 85,5 triệu người, tương đương 25,7% dân số của quốc gia này.

Đáng chú ý, hơn 46 triệu người (khoảng 14% dân số Mỹ) hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Dữ liệu của CDC cũng cho thấy 70% người lớn trên 65 tuổi đã nhận được ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 và 1/3 những người dưới 65 tuổi đã nhận được một liều.

Hiện mỗi ngày nước Mỹ chủng được khoảng 2,5 triệu người. Tính tới ngày 24/3, hơn 130 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trong tổng số gần 170 triệu liều đã được phân phối.

Mỹ đã cấp phép để sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech với người 16 tuổi trở lên trong khi các vaccine của Moderna và Johnson & Johnson được sử dụng cho người 18 tuổi trở lên. Trong số các liều đã được sử dụng có 67 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech, 61,7 triệu liều Moderna và 2,6 triệu liều Johnson & Johnson.

[Tổng thống Biden: Mỹ sẽ sớm chạm mục tiêu 100 triệu liều vaccine]

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden từng đặt mục tiêu tiêm được ít nhất 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên sau khi ông lên nắm quyền và trên thực tế, Washington đã đạt được mục tiêu này vào tuần trước, khoảng 40 ngày trước thời hạn.

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, cho rằng để đạt được miễn dịch cộng đồng và cho phép cuộc sống trở lại tương đối bình thường thì Mỹ cần phải tiêm chủng cho khoảng 70% dân số.

Mỹ đón nhận thông tin tích cực đầu tiên nhờ triển khai tiêm chủng ảnh 1Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, ngày 24/3, giới chức tại hơn 40 bang của Mỹ cam kết sẽ hoàn thành hoặc thậm chí cán mốc trước thời hạn việc tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành trước ngày 1/5, thời hạn mà Tổng thống Biden đã đề ra.

Tính tới thời điểm này, ít nhất 30 bang tại Mỹ đã cho phép tiêm chủng rộng rãi cho toàn bộ người trưởng thành bắt đầu từ tháng 3 hoặc tháng 4.

Chính quyền bang West Virginia, một trong 5 bang cho phép tất cả những người trên 16 tuổi được tiêm vaccine, khẳng định mục tiêu là tiêm chủng cho tất cả mọi người dân.

Riêng trong tuần này, 7 bang đã tuyên bố thời điểm cụ thể tiến hành tiêm chủng cho những người trưởng thành, trong đó 3 bang Texas, Indiana và Georgia đã triển khai tiêm chủng rộng rãi từ cuối tháng 3.

Những kết quả tích cực trong chương trình tiêm chủng được công bố trong bối cảnh tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ đã là hơn 30 triệu ca, với khoảng 55.000 ca nhiễm mới và khoảng 1.000 ca tử vong mỗi ngày.

Mặc dù số ca tử vong mới đã giảm nhưng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 biến thể mới lại tăng. Số ca tăng cao được ghi nhận ở các bang phía Đông Bắc nước Mỹ và một số đợt bùng phát mới vừa xảy ra tại bang Michigan, Minnesota và một số bang khác.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ khá lạc quan rằng với tiến độ tiêm chủng được thực hiện nhanh như hiện nay, khả năng sớm kiểm soát dịch bệnh là khả thi. Trên thực tế, hầu hết các ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ nằm trong nhóm người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng.

Trao đổi với tờ New York Times, giáo sư Cindy Prins, trường Đại học Florida, cho rằng số ca nhiễm mới chắc chắn tiếp tục giảm khi nước Mỹ cho phép mở rộng tiêm chủng cho tất cả mọi người.

Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky ngày 24/3 cho biết nhờ những kết quả tích cực trong tiêm chủng cho nhóm người trên 65 tuổi nên số ca nhập viện cấp cứu vì COVID-19 trong độ tuổi này đã giảm.

Bà dẫn số liệu thống kê cho thất trong tuần kết thúc vào ngày 13/3, có 502 bệnh nhân COVID-19 trên 65 tuổi nhập viện, giảm đáng kể so với con số 3.384 ca trong tuần tính đến ngày 9/1, tương đương mức giảm 85%.

Chuyên gia Anthony Fauci dẫn một nghiên cứu thực tế thực hiện với 23.234 nhân viên Trung tâm Y tế Đại học Tây Nam Texas, được đăng ký tiêm vaccine từ ngày 15/12/2020 đến ngày 28/1/2021, cho thấy những bằng chứng chắc chắn về hiệu quả của việc tiêm chủng.

Cụ thể, trong nhóm 8.969 nhân viên chưa được tiêm có 234 người mắc bệnh (2,61%), trong nhóm 6.144 nhân viên được tiêm một liều có 112 người mắc bệnh (1,82%) và trong nhóm 8.121 nhân viên được tiêm đủ 2 mũi chỉ có 4 người mắc bệnh (0,05%).

Dù lạc quan nhưng chuyên gia hàng đầu của Mỹ vẫn thận trọng cho rằng đây chưa phải là lúc Mỹ có thể tuyên bố chiến thắng dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục