Mỹ "hiện đại hóa" bom hạt nhân để đối phó thách thức an ninh

Theo Lầu Năm Góc, dòng bom trọng lực hạt nhân B61-13 mới sẽ được triển khai bằng máy bay hiện đại và dự kiến thay thế một số bom B61-7.
Mỹ "hiện đại hóa" bom hạt nhân để đối phó thách thức an ninh ảnh 1Mỹ có kế hoạch phát triển bom trọng lực hạt nhân mới. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 27/10 đã công bố một dự án nâng cấp quả bom trọng lực hạt nhân chính của nước này.

Cơ quan Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ sẽ phát triển phiên bản đầu mới, được đặt tên bom B61-13. Hiện dự án đang chờ Quốc hội phê duyệt và tài trợ.

Quyết định trên là kết quả trực tiếp đến từ báo cáo Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân 2022, theo đó phiên bản đầu đạn mới của bom B61 được yêu cầu cung cấp "những phương án bổ sung khi cần xử lý những mục tiêu mang đến thách thức hơn và trên diện rộng."

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Vũ trụ John Plumb khẳng định: “B61-13 thể hiện một bước đi hợp lý nhằm giải quyết những thách thức an ninh. Tuy vậy, việc sản xuất B61-13 sẽ không làm tăng tổng số vũ khí trong kho dự trữ hạt nhân của chúng tôi."

Ông Plumb mô tả việc công bố dự án trên “phản ánh môi trường an ninh đang thay đổi và mối đe dọa ngày càng tăng từ các đối thủ tiềm tàng.” 

Theo Lầu Năm Góc, dòng bom B61-13 sẽ được triển khai bằng máy bay hiện đại và dự kiến thay thế một số bom B61-7. B61-13 được cho có sức công phá tương đương B61-7, và cao hơn B61-12.

Thiết kế của B61-13 được xây dựng dựa trên chương trình kéo dài thời gian hoạt động của B61-12, vốn xuất phát từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Đây là nỗ lực củng cố năng lực của các phiên bản cũ hơn là B61-3, B61-4, B61-7 và B61-10 trong khi nâng cấp bằng các công nghệ mới.

[Nga kêu gọi Mỹ phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện]

Đợt đầu tiên sản xuất bom B61-12 đã khởi động vào tháng 11/2021 và tiếp tục đến hết năm 2025. Lầu Năm Góc khẳng định việc theo đuổi nỗ lực phát triển B61-13 không có liên quan đến bất kỳ sự kiện cụ thể nào đang diễn ra trên thế giới.

Vũ khí hạt nhân thả từ trên không là một nhánh của Bộ ba hạt nhân. Hai nhánh còn lại là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được phóng từ mặt đất hoặc từ các tàu ngầm đặc biệt.

Một báo cáo gần đây của Ủy ban Thế trận Chiến lược thuộc Quốc hội Mỹ đã kêu gọi mở rộng quy mô của cả quân đội thông thường và lực lượng bộ ba, nhằm giải quyết cùng lúc mối đe dọa tiềm tàng từ Nga và Trung Quốc.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington chuyên theo dõi các kho vũ khí hạt nhân, Mỹ hiện có khoảng 5.200 vũ khí nguyên tử đang được sử dụng, trong khi Nga có gần 5.900 vũ khí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục