Mỹ hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc sớm giải quyết bất đồng

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Marc Knapper, lưu ý Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải hứng chịu những hệ lụy khi quan hệ song phương xấu đi, và mỗi nước đều có trách nhiệm cải thiện tình hình này.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Marc Knapper. (Ảnh: YONHAP/ TTXVN)
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Marc Knapper. (Ảnh: YONHAP/ TTXVN)

Nhật Bản và Hàn Quốc cần cân nhắc kỹ lưỡng các quyết định mang tính chính trị gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ.

Đây là tuyên bố của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nhật Bản và Hàn Quốc Marc Knapper đưa ra ngày 7/8.

Phát biểu tại Quỹ Heritage ở thủ đô Washington, ông Knapper cho rằng hai nước đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á cần tự đánh giá lại các quyết định gây tổn hại tới sự tin tưởng lẫn nhau trong thời gian gần đây.

Ông lưu ý rằng Nhật Bản và Hàn Quốc cần thận trọng nhằm tránh căng thẳng gây phương hại tới kinh tế và an ninh.

Theo quan chức Mỹ, giới chức hai nước cần kiềm chế để đảm bảo kiểm soát tình hình. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nhật Bản và Hàn Quốc Knapper nhấn mạnh việc đảm bảo "mối quan hệ hiệu quả và xây dựng" giữa các đồng minh là vô cùng quan trọng trước những thách thức chung.

Ông nêu rõ không nên để những thách thức tại khu vực tiếp tục chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Quan chức Nhà Trắng lưu ý Tokyo và Seoul đều phải hứng chịu những hệ lụy khi quan hệ song phương xấu đi và mỗi nước đều có trách nhiệm cải thiện tình hình này.

[Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục chỉ trích Nhật Bản về hạn chế thương mại]

Theo giới phân tích, những tuyên bố trên của quan chức Mỹ cho thấy mối quan ngại sâu sắc của Washington trước bất đồng giữa Tokyo và Seoul khiến quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua.

Căng thẳng bắt nguồn từ quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc cũng như loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.

Để đáp trả động thái trên của Tokyo, Seoul tuyên bố đang cân nhắc tất cả biện pháp, trong đó có việc hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo - một phần quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên với Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục