Mỹ lập "Cầu hàng không" đưa trang thiết bị, vật tư y tế về nước

Đây là chuyến bay đầu tiên trong "Dự án cầu hàng không" vận chuyển thiết bị vật tư y tế cần thiết về Mỹ trong 30 ngày tới nhằm giúp ứng phó với cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 28/3. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 28/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một máy bay chở trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết từ Trung Quốc đã tới New York (Mỹ) trong ngày 29/3.

Đây là chuyến bay đầu tiên trong "Dự án cầu hàng không" vận chuyển thiết bị vật tư y tế cần thiết về Mỹ trong 30 ngày tới nhằm giúp nước này ứng phó với cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Jared Kushner, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, cho biết chiếc máy bay thương mại đầu tiên, do Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) tài trợ, mang theo 130.000 khẩu trang N-95, gần 1,8 triệu khẩu trang y tế, hơn 10,3 triệu bộ găng tay và đồ bảo hộ y tế cùng hơn 70.000 nhiệt kế đã hạ cánh xuống sân bay John F. Kennedy, chuẩn bị phân phối cho các bang New York, New Jersey và Connecticut, 3 khu vực đang đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị y tế khi số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tập trung chủ yếu ở những bang này.

Việc thiết lập "cầu hàng không" vận chuyển hàng hóa thiết yếu này là sáng kiến của nhóm cố vấn do ông Jared Kushner đứng đầu, trong một dự án với sự tham gia của các nhà phân phối y tế lớn của Mỹ như McKesson Corp, Cardinal, Owens & Minor, Medline, Henry Schein Inc cùng với chính phủ liên bang.

Mục tiêu là đẩy nhanh sự "có mặt" của các trang thiết bị vật tư y tế quan trọng được các công ty mua trong vòng 30 ngày tới, sau đó sử dụng máy bay thay vì tàu biển để rút ngắn thời gian vận chuyển về nước.

Trong một tuyên bố cùng ngày, ông Kusshner cho biết: "Theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, chúng tôi đã thiết lập sự hợp tác công-tư chưa từng có tiền lệ để đảm bảo rằng một lượng lớn khẩu trang và nhiều thiết bị vật tư khác sẽ được đưa tới Mỹ ngay lập tức nhằm trang bị tốt hơn cho các nhân viên chăm sóc y tế của chúng tôi trên tuyến đầu chống dịch, cũng như phục vụ tốt hơn cho mọi người dân Mỹ."

[Cảnh báo đỉnh dịch tại Mỹ có thể rơi vào cuối tháng Tư tới]

Theo kế hoạch, FEMA sẽ phân phối phần lớn nguồn cung thiết bị y tế trên cho New York, New Jersey và Connecticut. Phần còn lại sẽ được cung cấp cho các viện dưỡng lão trong khu vực có nguy cơ cao khác trên toàn quốc.

Chuyến bay xuất phát từ thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, là chuyến vận chuyển đầu tiên trong số khoảng 20 chuyến bay được lên kế hoạch từ nay đến đầu tháng Tư tới.

Theo mạng IANS, hai nhà nghiên cứu gốc Ấn thuộc Đại học Cambridge ở Anh đã đưa ra một mô hình toán học mới cho rằng Ấn Độ có thể sẽ cần áp đặt một lệnh phong tỏa toàn quốc trong 49 ngày, hoặc liên tục trong 2 tháng và thỉnh thoảng nới lỏng, để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xuất hiện trở lại ở nước này.

Bài viết của Ronojoy Adhikari và Rajesh Singh thuộc Khoa Toán ứng dụng và Vật lý lý thuyết tại đại học trên đánh giá, lệnh phong tỏa 21 ngày mà Chính phủ Ấn Độ đang áp dụng có thể sẽ không hiệu quả và dịch COVID-19 sẽ xuất hiện trở lại khi lệnh này kết thúc.

Đây có lẽ là mô hình đầu tiên có tính đến yếu tố "độ tuổi và cấu trúc tiếp xúc xã hội của dân số Ấn Độ" khi đánh giá về tác động của biện pháp giãn cách xã hội đối với đại dịch.

Bài viết nhấn mạnh: "Kết luận chính của chúng tôi là lệnh phong tỏa trong 3 tuần sẽ không đủ.

Mô hình của chúng tôi đề xuất các giai đoạn phong tỏa liên tục với việc nới lỏng định kỳ sẽ giảm số ca nhiễm xuống tới mức mà việc truy dấu các tiếp xúc xã hội cá nhân cũng như việc cách ly có thể trở nên khả thi"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục