Mỹ mất 6,6 triệu ngày công do chính phủ đóng cửa

6,6 triệu ngày làm việc của nhân viên chính phủ là con số thiệt hại của 16 ngày một phần chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động.

6,6 triệu ngày làm việc của nhân viên chính phủ (tương đương 2 tỷ USD) là con số thiệt hại của 16 ngày một phần chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động.

Báo cáo do Nhà Trắng công bố ngày 7/11 cho biết đây là lần đóng cửa gây tổn thất về ngày công lớn nhất trong lịch sử các lần chính phủ phải đóng cửa tại Mỹ.

Văn phòng Quản lý và ngân sách, đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá tác động toàn diện của việc đóng cửa chính phủ, cho biết tổng số ngày nghỉ việc của toàn bộ nhân viên nhà nước trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động là 6,6 triệu ngày công. Bên cạnh đó, do chính phủ quyết định bù lương cho các nhân viên khi hoạt động trở lại vào giữa tháng 10, ngân sách đã bị hụt đi khoảng 2 tỷ USD để chi trả cho "những công việc không được hoàn thành."

Trước đó, Nhà Trắng cùng nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra dự báo việc nhiều cơ quan nhà nước phải ngừng hoạt động trong hơn hai tuần có thể sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2013. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong quý bốn sẽ giảm từ 0,2-0,6%, bên cạnh đó chính phủ ngừng hoạt động cũng làm mất đi khoảng 120.000 việc làm lĩnh vực tư nhân trong hai tuần đầu tiên của tháng 10. Báo cáo chính thức về tăng trưởng quý bốn sẽ được công bố vào đầu năm sau.

Trong khi đó, cuộc thương lượng ngân sách giữa các nhà lập pháp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã vấp phải bế tắc ngay trong giai đoạn đầu.

Phát biểu trước báo giới, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham thông báo mặc dù chưa nghiêm trọng đến mức không thể hòa giải, tiến trình thương thảo tại nhóm làm việc của lưỡng viện đã rơi vào bế tắc.

Quốc hội Mỹ đã thành lập nhóm làm việc lưỡng viện với sự tham gia của cả hai chính đảng để thảo luận về ngân sách như một phần thỏa thuận mở cửa trở lại chính phủ và gia hạn trần vay nợ. Nhiệm vụ của nhóm này là đảm bảo ổn định của tiến trình đàm phán ngân sách liên bang và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề chi tiêu chính phủ.

Theo giới chuyên gia, bế tắc tại ủy ban một lần nữa cho thấy mâu thuẫn sâu sắc giữa hai đảng về những ưu tiên trong vấn đề ngân sách. Nhà Trắng và Dân chủ luôn theo đuổi quan điểm tăng thuế là một phần trong các cuộc thảo luận về ngân sách, trái ngước với lập trường của các nghị sỹ Cộng hòa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục