Mỹ thảo luận việc cắt giảm thâm hụt ngân sách

Ông Obama và lãnh đạo nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện thảo luận về việc cắt giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách và ngăn nguy cơ vỡ nợ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện đã gặp lại nhau ngày 21/7 nhằm thảo luận về một thỏa thuận cắt giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách và ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra trong hai tuần tới.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận cắt giảm thâm hụt ngân sách, coi đây như một giải pháp đưa kinh tế phát triển trở lại và tạo thêm việc làm.

Theo các quan chức Cộng hòa, nếu không đạt được thỏa thuận cắt giảm mạnh thâm hụt ngân sách để đổi lấy việc nâng mức trần nợ công của chính phủ lên thêm 2.400 tỷ USD, chính phủ liên bang sẽ hết tiền hoạt động và ngày 2/8 có thể sẽ trở thành thời điểm "kinh hoàng," khi nước Mỹ tuyên bố vỡ nợ. Điều này sẽ tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính toàn cầu.

Hiện nợ công của Chính phủ Mỹ đã lên tới 14.290 tỷ USD, mức kịch trần giới hạn vay nợ.

Trong khi đó, Nhà Trắng một mặt khẳng định có thể đạt được một thỏa thuận về cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm tránh thảm họa kinh tế có thể xảy ra vào đầu tháng Tám tới, song bác bỏ những thông tin truyền thông cho rằng các nghị sĩ Quốc hội có thể sớm thỏa hiệp được về vấn đề này.

Trước đó, ngày 19/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về cắt giảm chi tiêu 6.000 tỷ USD trong ngân sách liên bang để đổi lấy việc nâng mức trần vay nợ của chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, dự luật có tên gọi "Cắt giảm, Giới hạn và Cân bằng" chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, vì dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, kế hoạch này không có cơ hội được Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số thông qua.

Cùng ngày, Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S & P) cảnh báo những tranh cãi về mức trần vay nợ của Mỹ có thể càng làm gia tăng những căng thẳng quy mô toàn cầu đang nổi lên từ các nền kinh tế gặp "rắc rối" tại châu Âu.

S& P cũng tái khẳng định có thể hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ nếu Quốc hội nước này không đạt được thỏa thuận nâng mức trần vay nợ vào ngày 2/8 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục