Mỹ tìm cách phát triển năng lượng xanh từ sóng

Các kỹ sư Mỹ dùng bể nước biển nhân tạo để thử nghiệm ý tưởng dùng năng lượng sóng làm quay các tuốcbin, tạo ra điện năng.
Theo trang điện tử Biên niên sử Houston của Mỹ ngày 5/8, các nhà khoa học Mỹ đang tìm cách biến năng lượng sóng biển thành nguồn năng lượng xanh mới nhất của quốc gia này.

Các kỹ sư vũ trụ Mỹ đang dùng bể nước biển nhân tạo của trường Đại học Texas A&M để thử nghiệm ý tưởng đặt các tuốcbin dưới mặt nước biển, qua đó nhờ năng lượng sóng làm quay các tuốcbin để tạo ra điện năng.

Ông Stefan Siegel- trưởng nhóm nghiên cứu tại trường đại học nói trên cho biết, ý tưởng trên xuất phát từ suy nghĩ rằng nếu năng lượng gió có thể tạo ra điện năng thì sóng biển cũng có thể làm được điều đó.

Ông cho biết, năng lượng sóng đại dương được nghiên cứu sau năng lượng gió hàng thập kỷ, tuy nhiên tất cả các nguồn năng lượng tồn tại trong đại dương đều rất đáng được quan tâm.

Ông Siegel nhấn mạnh: "Gió không phải lúc nào cũng có, Mặt Trời cũng vậy không phải hôm nào cũng chiếu sáng, nhưng sóng biển thì luôn tồn tại."

Nhóm nghiên cứu của ông Siegel đang phát triển các thiết bị khai thác năng lượng sóng biển tương tự như các cánh quạt máy bay hay các thanh tuốcbin gió.

Theo thiết kế, thiết bị khai thác năng lượng sóng biển được đặt dưới bề mặt nước biển, sóng biển sẽ làm cho hai cánh quạt quay quanh một trục trung tâm và gắn với một thiết bị chuyển năng lượng cơ học thành điện năng phục vụ sinh hoạt.

Mô hình thiết bị khai thác năng lượng sóng biển đang được nghiên cứu có kích thước bằng 1/10 thiết bị thật, tạo ra 370 oát trong quá trình thử nghiệm ở bể nước biển nhân tạo và với thiết kế cải tiến, phiên bản thực sẽ sản xuất 5 megaoát, đủ để cung cấp điện năng cho 3.000-4.000 hộ gia đình.

Dựa trên kết qủa thử nghiệm, nhóm nghiên cứu trên có kế hoạch thiết kế cải tiến với mô hình lớn hơn và hy vọng thử nghiệm tại vùng biển Houston vào năm 2014./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục