Mỹ: Tranh chấp tại Châu Á-TBD đe kinh tế toàn cầu

Dù hội nghị APEC đã đạt được một số tiến triển song các cuộc tranh chấp lãnh thổ găy gắt đã phó hỏng hội nghị kéo dài hai ngày này.

Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mới đây tại thành phố Vladivostok ở Viễn Đông Nga, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 9/9 đã cảnh báo các vụ tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đe dọa tới kinh tế toàn cầu.

 

Dù hội nghị đã đạt được tiến triển trong việc cắt giảm các hàng rào thuế quan đối với những mặt hàng thân thiện với môi trường và tái khẳng định cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, song các cuộc tranh chấp lãnh thổ găy gắt đã phó hỏng hội nghị kéo dài hai ngày này.

 

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã không tiến hành cuộc hội đàm bên lề như thông lệ vì một vụ tranh chấp giữa hai bên, ông Noda cũng không gặp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vì lý do tương tự. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Philippines và Trung Quốc, hai nước đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cũng không gặp nhau.

 

Phát biểu với báo giới trước khi rời Vladivostok, Ngoại trưởng Hillary nói: "Giờ là thời điểm để tất cả các bên nỗ lực nhằm giảm căng thẳng và tăng cường can dự ngoại giao. Khu vực này là động cơ trong cỗ máy kinh tế vẫn còn mong manh của thế giới... Việc hoài nghi và không tin tưởng vào hòa bình và ổn định tại Châu Á-Thái Bình Dương không có lợi cho các nước Châu Á và dĩ nhiên không có lợi cho Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới."

 

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã hối thúc các nền kinh tế Châu Á đang bị lôi kéo vào những vụ tranh chấp lãnh thổ cùng nhau hợp tác để giải tỏa căng thẳng.

 

APEC - với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - chiếm tới 44% kim ngạch thương mại toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục