Ngày 25/4, Mỹ tuyên bố ủng hộ chiến dịch quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngoài khơi Libya nhằm hậu thuẫn kế hoạch ngăn chặn lộ trình di cư qua Địa Trung Hải mà Italy đưa ra trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo 5 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy tại Hanover, Đức, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẵn sàng tham gia hỗ trợ chiến dịch của NATO trên biển Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Libya đổ về Italy.
Các quan chức cấp cao Mỹ cũng xác nhận thông tin trên.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, ông Obama và lãnh đạo 4 nước Liên minh châu Âu (EU) muốn xây dựng kế hoạch hành động dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn mà châu Âu có được trong việc đóng cửa các tuyến đường di cư chính khác.
Hiện NATO cũng đang triển khai chiến dịch ngăn chặn các tàu đưa người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Vì vậy, lãnh đạo 5 nước cũng kêu gọi NATO và EU cùng rút kinh nghiệm từ các hoạt động trên biển Aegean hiện nay để đưa ra kế hoạch hoạt động chung, bài bản và nhân đạo cho hoạt động trên biển Địa Trung Hải sắp tới.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Roberta Pinotti cho biết Italy đã đưa ra đề xuất yêu cầu NATO triển khai kế hoạch tuần tra ở ngoài khơi Libya, các khâu chuẩn bị cho việc đóng cửa tuyến đường di cư qua Địa Trung Hải đang được xúc tiến và dự kiến sẽ được thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 7/7 tới tại Warsaw (Ba Lan).
Theo ông Pinotti, Italy đã yêu cầu điều chỉnh lại chiến dịch "Active Endeavour" từ một chiến dịch chống khủng bố ở khu vực Đông Địa Trung Hải thành một chiến dịch giám sát bờ biển Libya nhằm ngăn chặn làn sóng di cư.
Trong một cuộc họp gần đây tại Luxembourg, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh đề xuất này. Tuy nhiên, chiến dịch ở ngoài khơi Libya sẽ phức tạp hơn nhiều và việc đưa thuyền chở người di cư bất hợp pháp quay trở lại Libya cũng sẽ rất khó khăn vì tình trạng bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này, do sự hiện diện của các phiến quân trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở một số khu vực ven biển.
Trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao vừa qua, các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng người di cư cũng như tình hình bất ổn tại Trung Đông và sự thâm nhập của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vào Libya, điểm xuất phát của khoảng 350.000 người tới Italy kể từ đầu năm 2014.
Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư, cùng ngày, Tổ chức cứu hộ bờ biển Tây Ban Nha thông báo đã cứu được khoảng 40 người di cư đến từ châu Phi ngoài khơi tỉnh Granada. Nhóm người di cư này xuất phát từ Maroc./.