Theo Reuters/TNHK, quyết định của Anh tham gia sứ mệnh hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại Vùng Vịnh mới đây đã bị các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích là làm trì hoãn các nỗ lực của châu Âu trong việc thiết lập một lực lượng hàng hải bảo vệ sự an toàn cho các tàu bè qua lại khu vực Eo biển Hormuz, tác biệt khỏi các cuộc tuần tra của Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, Anh và Pháp hồi tháng Bảy đã đề xuất thành lập một lực lượng hàng hải do châu Âu đứng đầu, tách biệt với Mỹ. Họ đã nhận được sự ủng hộ của Đan Mạch, Italy và Tây Ban Nha, những nước tỏ ra thận trọng trước sứ mệnh của Mỹ vì lo ngại sẽ làm tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran càng trở nên tồi tệ hơn.
Đề xuất này được đưa ra sau khi Iran chiếm giữ một tàu chở dầu có gắn cờ Anh tại Eo biển này, một động thái được cho là nhằm trả đũa vụ một tàu chở dầu của Iran bị các thủy thủ Anh bắt giữ tại Gibralta.
[Iran bắt giữ một tàu chở dầu của nước ngoài tại vùng Vịnh]
Chiếc tàu Stena Impero có gắn cờ Anh hiện vẫn đang bị phía Iran giữ, mặc dù Tehran đã đánh tiếng rằng sẽ sớm thả đi. Tháng trước, tàu chở dầu của Iran cũng đã được trả tự do từ Gibraltar.
Pháp dự kiến sẽ khởi động một nỗ lực mới vào ngày 16/9 để thiết lập một lực lượng bảo vệ tàu chở hàng tại eo biển này, nơi có đến 1/5 lượng dầu của toàn thế giới vận chuyển qua, với hy vọng sẽ tập hợp được 15 quốc gia châu Âu đến Paris để thảo luận về kế hoạch tiếp theo.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tham gia cuộc thảo luận của EU cho biết sự thay đổi chiến lược bất ngờ của London khi tham gia sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu, với quyết định do chính phủ mới của Thủ tướng Boris Johnson đưa ra vào ngày 5/8, đã gây trở ngại cho tiến trình. Một quan chức ngoại giao cấp cao EU nói: “Hầu hết chúng tôi đều muốn làm điều này với Anh, vì sự đoàn kết của châu Âu, và để ngăn ngừa chiến dịch gây sức ép cực đại của Mỹ lên Iran. Hiện nay, tất cả đều bị đình trệ vì Anh đã đứng về phía Mỹ.”
Iran chia rẽ châu Âu và Mỹ
Anh, Pháp, và Đức, với sự ủng hộ của các nước còn lại trong EU, đang nỗ lực cứu vãn thỏa hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, theo đó Tehran cam kết kiềm chế chương trình hạt nhân của họ để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận với Iran, khiến Mỹ bị chia rẽ với các đồng minh châu Âu, những nước cho rằng thỏa thuận này đã ngăn chặn Tehran phát triển các loại vũ khí hạt nhân. Từ đó, ông Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt cứng rắn với Iran.
Với kế hoạch rời EU, London ban đầu tìm kiếm một sứ mệnh không liên quan trực tiếp đến EU, NATO hay Mỹ, mà là một liên minh lỏng lẻo hơn giữa các nước châu Âu, bao gồm cả Na Uy - nước không phải thành viên EU.
Iran phản đối đề xuất này và nói rằng các cường quốc nước ngoài nên để Tehran và các nước khác trong khu vực tự bảo vệ các tuyến hàng hải trong khu vực. Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất (UAE), Kuwait và Iraq hiện xuất khẩu hầu hết dầu thô của mình thông qua Eo biển này.
Pháp có thể sẽ đứng ra chỉ huy một sứ mệnh châu Âu và nước này hiện cũng đang có một căn cứ hải quân tại UAE. Một quan chức quốc phòng Pháp cho biết: “Đây sẽ là một hoạt động phối hợp cùng các đối tác châu Âu, những người quan tâm đến một sứ mệnh châu Âu mà không gây cảm giác là một liên minh chống Iran.”
Hiện Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Na Uy, Bỉ và Thụy Điển đã theo Pháp gia nhập lực lượng do châu Âu dẫn đầu. Hà Lan thì đang cân nhắc đề xuất của cả Mỹ lẫn Pháp, song giới ngoại giao cho biết nước này thiên về sáng kiến do châu Âu dẫn đầu hơn.
Bất kể sứ mệnh nào cũng đều cần có sự phê chuẩn của nghị viện ở một số nước châu Âu, trong đó có Đan Mạch và Hà Lan./.