Mỹ và EU đàm phán về thương mại song phương

Mỹ và EU đã tiến thêm một bước trong việc hướng tới các cuộc đàm phán song phương về thương mại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng...
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ và EU tại Nhà Trắng ngày 28/11, hai bên đã tiến thêm một bước trong việc hướng tới các cuộc đàm phán song phương về thương mại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, Ủy viên thương mại EU Karel De Gucht và Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk được chỉ định phụ trách nhóm công tác chung để tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ kinh tế Mỹ-EU, đặc biệt là những giải pháp có lợi nhất cho việc làm và tăng trưởng.

Nhóm công tác sẽ xem xét việc hai bên có dỡ bỏ các loại thuế quan còn lại đối với hàng hóa của nhau hay không cũng như cách thức giảm bớt các rào cản về quy định đối với hoạt động thương mại.

Báo cáo cuối cùng mà nhóm phải trình lên các nhà lãnh đạo vào cuối năm tới sẽ bao gồm một loạt sáng kiến, từ việc tăng cường hợp tác về quy định tới việc thương lượng về một hoặc nhiều hiệp định thương mại song phương.

Các mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương tạo nên xương sống của kinh tế toàn cầu, do đó một thỏa thuận song phương về tăng trưởng và việc làm sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại của Mỹ và EU nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Theo nhận định, việc dỡ bỏ thuế quan có thể làm tăng thương mại song phương 120 tỷ USD trong vòng 5 năm và nâng sản lượng kinh tế lên thêm 180 tỷ USD. Quyết định tăng cường hợp tác giữa Mỹ và EU cũng được đưa ra khi hai bên cùng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.

Mỹ cùng với EU chiếm khoảng 1/2 sản lượng kinh tế và gần 1/3 thương mại toàn cầu. Trong 9 tháng đầu năm nay, thương mại song phương tăng khoảng 15%, bất chấp khủng hoảng nợ công nghiêm trọng ở châu Âu đang ăn mòn tăng trưởng.

Trong khi nhiều nước trên thế giới tiến hành nhiều cuộc thương lượng về các hiệp định thương mại tự do trong thập kỷ qua, Mỹ và EU vẫn chưa có những cuộc thương lượng như vậy, một phần do lo ngại điều đó sẽ làm giảm sự tập trung cho vòng Đàm phán Đôha về thương mại toàn cầu.

EU hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận về hàng hóa với Mỹ tại cuộc họp của Hội đồng kinh tế xuyên Đại Tây Dương ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh, nhằm tránh gây thiệt hại cho thương mại song phương hàng tỷ USD, đồng thời mong muốn sẽ có những tiến triển trong việc đàm phán về buôn bán xe điện và khởi động các cuộc đàm phán về ngăn chặn các hàng rào đối với công nghệ nanô và công nghệ điện toán đám mây./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục