Mỹ: Walmart thông báo ngừng trưng bày súng, đạn tại các quầy hàng

Sau khi chứng kiến một số vụ bạo động bùng phát thời gian qua, hệ thống bán lẻ Walmart của Mỹ vẫn tiếp tục bán súng, đạn song sẽ không trưng bày hay quảng cáo sản phẩm này tại các quầy hàng.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ nổ súng tại siêu thị Walmart ở bang Arkansas, Mỹ, ngày 10/2/2020. (Ảnh: AP/TTXVN)
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ nổ súng tại siêu thị Walmart ở bang Arkansas, Mỹ, ngày 10/2/2020. (Ảnh: AP/TTXVN)

Ngày 29/10, Walmart - chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu của Mỹ - thông báo sẽ ngừng trưng bày các sản phẩm súng, đạn sau các vụ bùng phát bạo lực nghiêm trọng tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania trong tuần này, song Walmart vẫn duy trì việc bán các mặt hàng này.

Theo đó, Walmart sẽ tiếp tục bán súng và đạn cho khách hàng khi họ yêu cầu nhưng sẽ không trưng bày hay đăng quảng cáo bán những sản phẩm này.

Hiện tại, súng và đạn là những sản phẩm được bày bán ở khoảng một nửa số cửa hàng của Walmart ở Mỹ, đặc biệt ở những nơi mà hoạt động săn bắn thịnh hành.

Một người phát ngôn của Walmart cho biết sau khi chứng kiến một số vụ bạo động bùng phát thời gian qua, chuỗi bán lẻ này quyết định dừng trưng bày các loại súng và đạn dược tại các cửa hàng như biện pháp đề phòng để đảm bảo an toàn cho các đối tác và khách hàng.

Tuy nhiên, sản phẩm vẫn luôn có sẵn để phục vụ người mua nếu có yêu cầu. Trước đây, Walmart cũng đã vài lần thực hiện biện pháp này.

[Mỹ: Biểu tình bùng phát sau vụ cảnh sát bắn chết người da màu cầm dao]

Động thái trên được đưa ra sau khi tình trạng bạo động xảy ra trong 2 đêm liên tiếp tại Philadelphia sau vụ công dân da màu Walter Wallace ở thành phố này tử vong vì bị cảnh sát bắn hôm đầu tuần.

Cảnh sát cho biết Wallace mang theo dao và không chịu hạ vũ khí khi được yêu cầu trong khi mẹ của đối tượng cố gắng tìm cách kiềm chế con mình.

Hàng nghìn người đã đổ xuống các tuyến phố để biểu tình, kéo theo tình trạng cướp bóc và bạo lực.

Theo các báo cáo, bạo lực khiến 57 cảnh sát bị thương và hơn 200 người bị bắt giữ. Tình hình vượt kiểm soát khiến chính quyền thành phố phải ban bố lệnh giới nghiêm vào đêm 28/10.

Thị trưởng Philadelphia Jim Kenney cho biết không áp lệnh giới nghiêm đêm 29/10 nhưng khuyến cáo người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Trước khi vụ việc trên xảy ra, làn sóng biểu tình đã dâng cao trên khắp nước Mỹ sau cái chết của công dân da màu George Floyd khi bị cảnh sát ghì cổ trấn áp hồi tháng 5 vừa qua.

Vụ việc đã thổi bùng phong trào đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là các hành động bạo lực của cảnh sát nhằm vào những đối tượng da màu.

Thay vì dùng các biện pháp trấn áp mạnh tay vốn có thể khiến căng thẳng gia tăng, chính quyền một bang tại Mỹ đã nỗ lực xoa dịu người biểu tình bằng những động thái chủ hòa.

Mới đây, thành phố New York - một điểm nóng của phong trào biểu tình tại Mỹ - đã bổ nhiệm một phụ nữ da màu vào vị trí cấp cao trong lực lượng cảnh sát.

Cụ thể, Thị trưởng New York Bill de Blasio đã chỉ định bà Juanita Holmes làm lãnh đạo đơn vị cảnh sát tuần tra, chuyên trách giám sát 77 đơn vị và phần lớn các sĩ quan cảnh sát của thành phố.

New York là thành phố có lực lượng cảnh sát khu vực đông đảo nhất trên cả nước Mỹ với khoảng 35.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên một phụ nữ đảm nhận vị trí lãnh đạo đơn vị cảnh sát tuần tra tại New York./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục