Trong bản báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô 11 tháng của năm 2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng năm 2014, tăng trưởng tín dụng sẽ phấn đấu đạt mức 14-15%.
Để đạt được mục tiêu này, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục triển khai các biện pháp đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng đối với đối tượng này.
Ngoài ra, đẩy nhanh và mở rộng quy mô xử lý nợ xấu của VAMC thông qua sự hỗ trợ và tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách xử lý các tài sản đảm bảo tiền vay để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.
Đối với chính sách tỷ giá, Ủy ban này cũng cho rằng, cần tiếp tục ổn định để góp phần vào việc ổn định lạm phát. Tuy nhiên, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cũng cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể là, nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới.
Đối với chính sách tài khóa, cân đối ngân sách Nhà nước sẽ là vấn đề cần xử lý từ nay đến 2015. Đối với thu ngân sách Nhà nước, bên cạnh công tác chống thất thu thuế và chuyển giá cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo nguồn thu bền vững.
Đối với chi ngân sách Nhà nước, cần rà soát nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, tiết kiệm cho quản lý hành chính và hạn chế chính sách, chế độ làm tăng chi.
Nhìn lại 11 tháng qua, Ủy ban Giám sát cho rằng, mặc dù sản xuất được cải thiện nhưng nền kinh tế vẫn còn khó khăn, biểu hiện cụ thể như sau: Sức mua của người dân chậm cải thiện, thể hiện qua mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng như vận chuyển hàng hóa tăng chậm hơn cùng kì năm trước.
Tính chung 11 tháng, mức bán lẻ hóa và dịch vụ tiêu dùng loại trừ yếu tố giá tăng 5,54% (cùng kỳ tăng 6,4%), vận chuyển hàng hóa tăng 4,7% (cùng kỳ tăng 9,4%).
Sản xuất và doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2013 dự kiến chỉ bằng năm 2012 (5,8%) và vẫn thấp hơn so với các năm 2011 và 2010. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng so với cùng kỳ (11 tháng tăng 8,4%) và tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp vẫn giảm (11 tháng giảm 15,4%).
Tín dụng cho nền kinh tế tăng chậm trong bối cảnh tổng cầu thấp. Tính đến 31/10/2013, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế mới đạt 7,18%, đạt xấp xỉ 60% kế hoạch cả năm.
Tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế: tín dụng công nghiệp phụ trợ và tín dụng cho xuất khẩu tăng thấp và tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng âm.
Thu ngân sách thấp hơn kế hoạch. Dự kiến cả năm 2013, thu ngân sách Nhà nước đạt 97% dự toán năm; đưa mức bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 5,3% GDP, cao hơn 0,5% GDP so với kế hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung hạn.
Tuy nhiên, Ủy ban này cũng cho rằng, trong năm qua, doanh nghiệp cũng bớt khó khăn hơn với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng dần qua từng tháng.
Cơ cấu tín dụng tích cực hơn khi tập trung phục vụ cho sản xuất và hỗ trợ thị trường. Cụ thể là một số lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng có mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Tính đến hết cuối tháng 9/2013, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tăng khoảng 13-15%. Tín dụng tiêu dùng và bất động sản cũng tăng cao hơn mức tăng của nền kinh tế phù hợp với định hướng chính sách hỗ trợ thị trường của Chính phủ./.