Năm 2020, hầu hết trạm biến áp truyền tải điện sẽ không có người trực

Mục tiêu đến năm 2020, khối truyền tải điện tại Việt Nam sẽ chuyển 60% trạm biến áp 220 kV và 100% các trạm biến áp 110 kV thành các trạm biến áp không người trực.
Phiên hội thảo có chủ đề: “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.” (Ảnh: BKT/Vietnam+)
Phiên hội thảo có chủ đề: “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.” (Ảnh: BKT/Vietnam+)

“Năng lượng thông minh” đang là xu thế rõ nét và từng bước thay đổi dần trong ngành năng lượng truyền thống đồng thời tạo ra những thành quả to lớn, mang tính đột phá trong phát triển những nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Thông tin trên được ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại Hội thảo “Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia.” Sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019), diễn ra trong hai ngày 2 và 3/10 tại Hà Nội.

[Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội để Việt Nam bứt phá]

Theo ông Cao Đức Phát, năng lượng thông minh không chỉ còn là khái niệm mang tính học thuật mà đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều mặt của sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và thực thi chiến lược phát triển năng lượng thông minh gắn với nền kinh tế số. Theo đó, một trong những điều kiện cơ bản là phải thực hiện tốt chuyển đổi số trong ngành năng lượng và đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển năng lượng thông minh theo hướng bền vững, hiệu quả.

Trên thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã triển khai 41 dự án, đề tài thuộc Đề án cách mạng công nghiệp 4.0 của đơn vị này và việc ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được các đơn vị trong ngành vận dụng và thực hiện.

Chia sẻ điều này tại Hội nghị, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay, khối phát điện và các nhà máy thủy điện mới xây dựng của EVN đã áp dụng hoàn toàn trang bị công nghệ mới trong theo dõi trạng thái, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện cũng đã thay thế và sử dụng thiết bị đo lường điều khiển tiên tiến về theo dõi thông số, trạng thái vận hành (như độ rung, nhiệt độ, áp suất…) trong các thiết bị chính.

“Mục tiêu đến năm 2020, khối truyền tải điện sẽ chuyển 60% trạm biến áp 220 kV và 100% các trạm biến áp 110 kV thành các trạm biến áp không người trực. Hiện nay, các trạm biến áp đang được tiến hành ứng dụng công nghệ GIS nhằm tin học hóa trong quản lý kỹ thuật và vận hành, điều hành nhanh chóng và hiệu quả,” ông Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhận định, ngành năng lượng Việt Nam đang phát triển mạnh theo xu thế toàn cầu với việc tiếp cận trang thiết bị công nghệ mới, tự động hóa cao trong vận hành, thu thập dữ liệu, giám sát, cảnh báo, điều khiển xa, sử dụng năng lượng tiết kiệm. Điều này đã đem lại hiệu quả đảm bảo và an toàn cũng như tính kinh tế trong quá trình vận hành các công trình năng lượng, hệ thống điện quốc gia.

Ông Lực cũng khẳng định, áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành các nhà máy điện, hệ thống truyền tải, phân phối điện đóng vai trò rất quan trọng, nhất là khi các nguồn năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời) đang dần được đưa vào vận hành trong hệ thống điện. Việc ngành điện sử dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc đo đếm, thu thập dữ liệu, dự báo, điều khiển các phần tử trong hệ thống…

“Năng lượng thông minh đang trở thành điều kiện quyết định đối với việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cũng như đảm bảo vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện,” ông Lực chốt lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục