Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên ngành xuất khẩu cá tra đột phá, có thể đạt mức xuất khẩu trên 2 tỷ USD.
Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp,” tổ chức ngày 21/8, tại An Giang.
Qua 20 năm phát triển nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, hiện nay có 8 tỉnh nuôi cá tra, với gần 5.000ha mặt nước nuôi cá tra hiện nay, cá tra đã trở thành ngành hàng nông sản có bước phát triển vượt bậc, rất to lớn.
Trong thời gian tới phải phát triển mạnh tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
Các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, các mặt hàng giá trị gia tăng sau chế biến, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường xuất khẩu, trong điều kiện phải nâng cao tính cạnh tranh trong xuất khẩu.
Để có sản phẩm cá tra chất lượng tốt, phải chú trọng khâu giống cá tra; trong đó, ưu tiên bộ giống gốc và doanh nghiệp làm hạt nhân nhân con giống tốt, kết hợp cùng với người dân nhân giống… để con giống liên tục nâng cao chất lượng, giá thành giảm ở mức tốt nhất.
Chuỗi giá trị liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân là khâu then chốt để cùng nhau đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
Việc hình thành 3 trục Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, cùng người nuôi cá lên kết chặt chẽ, tạo sự thống nhất cao để thúc đẩy tăng trưởng mạnh ngành hàng cá tra. Từ đó, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu năm sau cao hơn năm 2018.
Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng đầu năm nay, ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu.
[Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU có dấu hiệu phục hồi]
Tháng Ba vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87-7,74 USD/kg) đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá tra.
Tuy nhiên, các tháng đầu năm nay, giá cá giống, giá cá nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao. Hiện giá cá giống, cá nguyên liệu đã giảm nhưng vẫn ở mức cao và người sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi.
Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 30/7 vừa qua đã đạt trên 1,198 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi cá tra đạt 4.033ha, sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn.
Hiện giá cá nguyên liệu trong nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng từ 4.500-7.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu hiện đang ở mức từ 25.000 đồng đến 27.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán.
Cá tra thương phẩm tăng giá đã kích thích cho các cơ sở và người dân phát triển nghề ương cá tra giống để đáp ứng cho thị trường. Từ đầu năm đến nay diện tích ương cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3.587ha, tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017, tập trung ở 3 tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và Long An.
Trong 3 tháng đầu năm nay, giá cá tra giống trung bình 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, (đối với cỡ 30 con/kg) và từ 70.000-80.000 đồng/kg (đối với cá có cỡ 50 con/kg). Nhưng từ đầu tháng Năm đến nay, giá cá tra giống tiếp tục giảm, hiện cỡ cá 30 con/kg dao động trong khoảng từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Ông Như Vân Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản cho biết, cơ quan quản lý thủy sản các địa phương thực hiện rà soát, kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi đã được cấp mã số nhận diện; trong đó, Đồng Tháp có 1.642 ao, Cần Thơ 912 ao, An Giang 791 ao, Vĩnh Long 680 ao, Bến Tre 611 ao, Tiền Giang 143 ao, Sóc Trăng 81 ao.
Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã thực hiện kiểm tra, đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu và kiểm tra hồ sơ của cơ sở chế biến nhằm đảm bảo có thể truy xuất đến cơ sở nuôi đã được cấp mã số.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhận định, diện tích nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh đạt 897ha; trong đó, diện tích doanh nghiệp nuôi chiếm 451ha, diện tích hộ dân nuôi là 446ha. Đến nay, tổng diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn chất lượng là hơn 408ha (45,56%), sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm nay đạt 152.437 tấn, bằng với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp 121 giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra, với số ao nuôi cá tra của doanh nghiệp là 435 ao, tương ứng diện tích 478ha, và số ao nuôi cá tra của nông hộ là 424 ao, tương ứng diện tích 284,7ha. Về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm nay An Giang xuất sang 72 nước đạt 59.000 tấn, tương đương 139,56 triệu USD.
Riêng An Giang được Chính phủ chọn điểm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống cá tra 3 cấp. Đến nay, tỉnh đã cung cấp được hơn 1 tỷ con cá tra bột và 300 triệu con cá tra giống cho các doanh nghiệp thủy sản và các hộ nuôi cá tra trong và ngoài tỉnh.
Chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp đang vận hành khá tốt, các bên tham gia chuỗi liên kết ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua thỏa thuận hợp tác, hợp đồng tiêu thụ cá tra giống giữa chi hội sản xuất giống cá tra với doanh nghiệp thủy sản trong và ngoài tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, việc xây dựng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao.
Từ đó ổn định cung-cầu về con giống, con giống có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi. Điều này góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và quốc tế.
Các cấp tham gia sản xuất giống cá tra 3 cấp như đơn vị cấp 1 Là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chọn giống, bao gồm các Viện nghiên cứu, trường Đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chọn giống theo mong muốn (như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, tỷ lệ sống cao) để tạo ra đàn giống bố, mẹ có chất lượng cung cấp cho đơn vị cấp 2.
Đơn vị cấp 2 là đơn vị nuôi vỗ cá tra bố, mẹ và cho sinh sản ra cá bột bao gồm Trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực, liên kết sản xuất hoặc nhận đặt hàng từ doanh nghiệp chủ trì chuỗi.
Đơn vị cấp 3 là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống, thông qua nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm bao gồm Trung tâm giống, các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các nông hộ có đủ năng lực được địa phương quy hoạch và tổ chức thành vùng ương dưỡng giống tập trung.
Đây là mô hình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, là khâu đột phá; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất giống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất giống, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành hàng cá tra.
Mục tiêu đến năm 2020 các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp sẽ đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho Đồng bằng sông Cửu Long với nhu cầu toàn vùng là từ 2,2 tỷ đến 2,5 tỷ cá tra giống.
Đến năm 2025 các chuỗi này hoạt động ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ cá tra giống./.