Năm học 2023-2024: Cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021-2022.
Năm học 2023-2024: Cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên ảnh 1Giờ học của học sinh trường Mầm non Hoa Sen, thành phố Vinh. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Đến hết năm học 2022-2023, tổng số giáo viên Mầm non, Phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).

Đây là thống kê theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 diễn ra chiều 18/8.

Các địa phương đã triển khai tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bố trí, sử dụng đội ngũ cơ bản đảm bảo theo khung năng lực vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

[Các địa phương nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non]

Các địa phương quan tâm thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên theo quy định chung và tham mưu ban hành các chính sách đặc thù của địa phương nhằm động viên, thu hút giáo viên yên tâm công tác.

Tuy nhiên, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; đồng thời việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.

Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.

Những vùng có tỷ lệ thấp nhất cả nước là miền núi phía Bắc với 1,6 giáo viên mầm non/lớp; Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ với 1,29 giáo viên Tiểu học/lớp; Đông Nam Bộ với 1,69 giáo viên Trung học Cơ sở/lớp: Đồng bằng sông Hồng với 1,29 giáo viên Trung học Phổ thông/lớp.

Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học Mầm non, Phổ thông công lập xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021-2022.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học Mầm non thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Cấp Tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022-2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên).

Cấp Trung học Phổ thông tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).

Năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc.

Bên cạnh đó, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định Tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.

Việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học.

Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Chia sẻ về thực trạng khó tuyển dụng giáo viên tại địa phương, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cho biết dù có chính sách thu hút, hỗ trợ nhưng tỉnh vẫn thiếu nhiều giáo viên, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Ví dụ, đối với giáo viên Tiếng Anh và Tin học, tỉnh thu hút tuyển mới lên vùng cao với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp, nhưng vẫn chưa tuyển được trường hợp nào. Tổng số giáo viên của tỉnh Yên Bái hiện mới đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân 2 đợt/năm, với tổng chỉ tiêu tuyển là 2.532, song số đăng ký chỉ là 1.359 (chiếm 53,7%). Số trúng tuyển cũng chỉ đạt 726, chiếm 53,4% số dự tuyển và chỉ chiếm gần 29% tổng số chỉ tiêu tuyển.

Để từng bước khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023-2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.

Năm học 2023-2024: Cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên ảnh 2Cô giáo Nguyễn Thị Tân Diện dạy tiết Tin học cho học sinh ở Điểm trường Bản 2, Trường Tiểu học Thuận, xã Thuận, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên, các tỉnh, thành phố thực hiện hợp đồng giáo viên theo quy định; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Trao đổi tại hội nghị, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết năm học 2023-2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế trong thời gian tới.

Hiện nay, ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.

Nguyên nhân là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.

Ông Triệu Văn Cường cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế. Về phía các địa phương, cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, Trung học Phổ thông công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá.

Đồng thời, các địa phương cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục