Thị trường khởi đầu tuần giao dịch nhiều hứng khởi với phiên tăng mạnh mẽ hơn 10 điểm. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ đã tạo sức ép khiến thị trường suy yếu mạnh trong các phiên còn lại của tuần.
Tổng kết cả tuần giao dịch, VN-Index đứng ở 589,03 điểm, giảm 2,44% đồng thời HNX-Index tạm đứng ở 80,88 điểm, giảm 3,8% so với tuần trước.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều biến động với đà điều chỉnh chiếm ưu thế, trong tuần khi VCB, BID, CTG lần lượt giảm 3,5%, 3,27% và 3,72%.
Sau khi điều chỉnh khá mạnh ở tuần trước, lực cầu bắt đáy đã trở lại tại nhóm cổ phiếu bảo hiểm, BVH, BMI, BIC chốt tuần với mức tăng lần lượt 3,61%, 6,8% và 3,26%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng có tuần giao dịch ảm đạm, đa phần các mã trong nhóm đều rơi vào xu hướng điều chỉnh.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dầu khí chịu ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến của giá dầu thế giới đã có một tuần trượt dốc. Chốt tuần giao dịch, PVD, PXS lần lượt giảm 8,16% và 3,81%. GAS là mã giảm mạnh nhất trong nhóm với mức giảm 9,48%, chốt tuần ở 52.500 đồng/cổ phiếu.
Nhóm đầu cơ cũng điều chỉnh giảm rất mạnh. HAI là mã giảm mạnh nhất (-13,75%), chốt tuần ở 6.900 đồng/cổ phiếu, hai mã FLC và DLG cũng có mức giảm lần lượt 7,5% và 5,41%.
Về các mã có khối lượng giao dịch nhiều nhất, trên sàn HoSE, mã cổ phiếu FLC dẫn đầu và đạt 27 triệu đơn vị. Kế tiếp là cổ phiếu SSI với 26,7 triệu đơn vị. Các mã KDC, MBB, CII lần lượt giữ các vị trí kế tiếp trong top 5.
Tại sàn HNX, mã SHB đã giật ngôi vị quán quân ở tuần này, với khối lượng giao dịch đạt gần 22,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu KLF đứng vị trí thứ hai, khối lượng chuyển nhượng gần 18 triệu đơn vị, các mã KVC, SCR, VND là những mã đứng ở các vị trí tiếp sau.
Tuần qua, khối ngoại mua ròng trên cả hai sàn, đạt tương ứng 244,84 tỷ đồng trên HoSE và 7,67 tỷ đồng trên HNX.
Cụ thể, họ mua ròng mạnh nhất là mã SSI với khối lượng gần 3,3 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã NT2 đạt 4 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã DPM, KBC, E1VFVN30.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh nhất tại mã VCB với khối lượng gần 1,1 triệu đơn vị (tuần trước họ cũng đã bán tròn 1,9 triệu đơn vị) và mã KDC đứng thứ hai, khối lượng bán ròng 943.040 đơn vị, kế đến là các mã SBT, PPC, HHS.
Tại sàn HNX, mã VND vẫn là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 513.300 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là PVB, PGS, NDN, PLC.
Chiều ngược lại, cổ phiếu SHB lại bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất 358.250 đơn vị, tiếp đến là KLS, BVH, PVC, VCG.
Tuần qua, thông tin không chính thức về hướng dẫn thi hành Nghị định 60 được lan truyền đã giúp thị trường bật tăng khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy vậy, những diễn biến từ nền kinh tế Trung Quốc mới là tâm điểm đẩy thị trường lao dốc ở các phiên sau đó.
Nhìn chung, sự lo ngại về tác động xấu của chính sách phá giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến thâm hụt thương mại trầm trọng hơn và ảnh hưởng xấu tới hoạt động xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đồng thời gây sức ép tỷ giá nặng nề trong thời gian tới. Đây là các yếu tố khiến dòng vốn trên thị trường chứng khoán tuần qua có diễn biến rất tiêu cực. Theo đó, hàng loạt các phiên điều chỉnh trên diện rộng kéo VN-Index lùi sâu về dưới các vùng hỗ trợ, xóa bỏ hoàn toàn kỳ vọng về sự hồi phục trong ngắn hạn sau các phiên tích lũy tích cực của tuần trước đó.
Theo nhận định từ giới phân tích, thị trường đang đi vào xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền suy yếu khá mạnh do chịu tác động từ các thông tin tiêu cực xuất hiện liên tiếp. Do vậy các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên tiếp tục giữ trạng thái cổ phiếu và tiền mặt ở mức an toàn, tránh bắt đáy, mua đuổi trong các phiên hồi phục kỹ thuật khi các yếu tố vĩ mô tác động chưa có chuyển biến tích cực trở lại.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.