Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Một cái tên "ngụp lặn" trong top giảm giá suốt tháng Tám, tháng Chín bất ngờ xuất hiện trở lại tuần này: mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Mã ROS sau chuỗi ngày làm mưa làm gió tại top tăng giá cuối cùng cũng có 1 tuần phải rời bảng xếp hạng. Ở phía ngược lại, một cái tên "ngụp lặn" trong top giảm giá suốt tháng Tám, tháng Chín bất ngờ xuất hiện trở lại tuần này: mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho thấy, trên sàn HoSE, mã EMC của Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức chiếm vị trí đầu bảng sau 5 phiên tăng giá tuần này.

Doanh nghiệp trong ngành sản xuất trang thiết bị, dụng cụ điện đã tăng từ mức 10.400 đồng/cổ phiếu lên ngưỡng 12.800 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ tăng 22,6%.

Với EMC, một trong những thông tin đáng chú ý thời gian qua là công ty này đã xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính quý 3 năm 2016. Lý do được phía EMC nêu lên là: công ty đang trong giai đoạn cập nhật chương trình phần mềm quản lý (trong đó có phần mềm quản lý kế toán – vật tư) nên số liệu chưa có đủ để tập hợp kịp thời báo cáo đúng theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó, phía Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã từ chối đề nghị này của EMC. Đại diện cơ quan chức năng cho rằng, lý do của phía EMC không được coi là một trong những lý do bất khả kháng.

Cuối cùng, công ty này đã phải công bố bản báo cáo tài chính quý 3 với hơn 84 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 97 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Những con số này đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình của đại diện EMC, nguyên nhân bởi trong thời gian qua, công ty chi trả trợ cấp mất việc làm cho công nhân viên tăng rất nhiều. Cụ thể, nếu như trong quý 3 năm 2015, mức chi trợ cấp mất việc chỉ là 432 triệu đồng thì năm nay là gần 2,7 tỷ đồng (chiếm gần 44% tổng chi phí quản lý doanh nghiệp).

Điều này khiến lợi nhuận của công ty chỉ đạt gần 97 triệu đồng, giảm 454 triệu đồng so với quý 3 năm ngoái.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Trong nhóm giảm giá, đáng chú ý có mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành ở vị trí thứ 3. Đây là cái tên quen thuộc trong suốt tháng Tám và tháng Chín. Chỉ tới tháng Mười, TTF mới dần thoát khỏi cảnh ngụp lặn tại top giảm giá.

Trong kết quả kinh doanh quý 3 vừa công bố, số lỗ trong quý vừa qua của TTF lên tới 398 tỷ đồng. Trong khi ấy, cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này vẫn báo lãi 101 tỷ đồng.

Với mức chênh lệch như trên, TTF đã phải có văn bản giải trình với cơ quan chức năng. Theo đại diện TTF, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên một phần do công ty đã trích lập quỹ dự phòng phải thu khó đòi (chủ yếu cho các giao dịch bán hàng trong năm 2014 và 2015) lên tới 241 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí lãi vay trong quý 3 là 75 tỷ đồng và lỗ từ hoạt động kinh doanh 30 tỷ đồng là những nguyên nhân khác được nhắc tới.

Mất giá nhiều nhất sàn là mã SVT của Công ty cổ phần Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông. SVT chính là ngôi sao trong top tăng giá trong suốt tháng Chín và đầu tháng Mười. Tuy nhiên, tới những phiên giao dịch tuần này, SVT tỏ ra khá đuối sức.

Báo cáo quý 3 của SVT cho thấy doanh thu và lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh. Doanh thu thuần của SVT trong quý chỉ đạt 5,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới 45 tỷ đồng.

Thậm chí, lãi sau thuế quý vừa qua của SVT chỉ đạt gần 486 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng mức lãi là 530 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 10% so với kết quả 9 tháng năm 2015.

Bên sàn HNX, mã AMV của Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Dược và Thiết bị y tế Việt Mỹ là mã tăng giá mạnh nhất sàn tuần này.

5 phiên tăng kịch trần tuần này giúp AMV có thêm 2.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 55%. Tỷ lệ tăng giá của AMV bỏ xa nhóm còn lại trong top tăng giá.

Hồi tháng Mười, AMV đã công bố báo cáo quý 3 với mức lãi chỉ là hơn 7 triệu đồng, bằng khoảng 21% kết quả cùng kỳ năm trước.

Đại diện AMV cho biết, hiện nay việc sản xuất nhà máy đã từng bước đi vào ổn định, một số dòng sản phẩm chất lượng cao đã được đưa ra thị trường chấp nhận. Thực tế, doanh thu quí 3 năm 2016 đạt trên 2 tỷ đồng, bằng 92,5% so với quí 3 năm ngoái.

Tuy nhiên, theo lý giải, công ty hiện tại đang tham gia đấu thầu một số bệnh viện trong toàn quốc, một số gói thầu chưa có kết quả. Ngoài ra, những chi phí phát sinh như: chi phí khấu hao, chi phí phân bổ: dài hạn, ngắn hạn, chi phí tài chính cũng làm giảm lợi nhuận công ty.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Ở nhóm mất giá, mã TTH của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tiến Thành là mã đứng vị trí số 1.

TTH là cái tên “mới toanh” trên sàn HNX. Mã này vừa chính thức có ngày giao dịch đầu tiên từ ngày 26/10 với mức giá tham chiếu là 13.900 đồng/cổ phiếu.

TTH tiền thân là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Thành được thành lập từ năm 1994. Qua 3 lần tăng vốn, TTH hiện đang có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, TTH hiện kinh doanh sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép, kinh doanh các sản phẩm của ngành thời trang, đầu tư sản xuất rượu vang,… Đặc biệt, TTH chính là đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thời trang thương hiệu Valentino Creations tại Việt Nam.

TTH cũng vừa công bố cáo 9 tháng năm 2016 với doanh thu thuần hơn 120,5 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng được ghi nhận ở mức gần 57,3 tỷ đồng, gần 2 lần cùng kỳ năm 2015.

Theo kế hoạch, TTH dự kiến sẽ tiến hành nâng vốn điều lệ lên 130 tỷ đồng trong năm nay. Doanh thu thuần cả năm được TTH đặt mục tiêu đạt 131 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt hơn 36,8 tỷ đồng, tăng 17% so với năm ngoái.

Đáng chú ý trong top giảm giá còn có mã FID của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp FID xuất hiện trong nhóm giảm giá. Hai tuần trước đó, FID thậm chí còn chính là mã mất giá nhiều nhất sàn.

Như đã thông tin trước đó, doanh thu quý 3 của FID giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, quý 3 năm 2014, doanh thu quý 3 của FID còn ở mức hơn 22 tỷ đồng thì năm nay, con số này chỉ còn gần một nửa: 10,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của FID trong quý 3 do đó chỉ ở mức hơn 389 triệu đồng, giảm mạnh so với ngưỡng 2,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục