Tết Canh Dần - ngưỡng cửa của một năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nông dân của La Cả (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cũng có một sự kiện trọng đại khi “có nguy cơ” trở thành… người đô thị.
Các cụ vốn có câu: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố.” Lý ra, người La Cả phải vui mừng hớn hở khi được giã từ “kiếp nông dân”. Nhưng, ai nấy đều nhuốm vẻ u sầu…
Được cục tiền mà… sợ
Sớm 29 Tết, tiết trời đổ lạnh. Trên cánh đồng trồng đào của La Cả nhộn nhịp vô cùng bởi cảnh bán mua, đánh gốc, cắt cành. Nhiều cô cậu người nội thành, vừa đi mua đào chơi Tết, vừa í ới gọi nhau tranh thủ chụp những bức ảnh với hoa đào làm kỷ niệm.
“Chụp nữa đi, chụp nhiều vào kẻo sang năm muốn cũng chẳng có mà chụp,” một bác nông dân ngồi canh dăm cây đào vừa đánh từ ruộng lên đường cái đợi khách, vừa rít điếu thuốc lào sòng sọc, chép miệng.
Ở một thửa ruộng, chị Nguyễn Thị Ngân, 42 tuổi, tay thoăn thoắt ngắt bỏ những cánh hoa đào tàn, héo bởi đợt nắng nóng vừa qua. Vừa “tân trang” cho ruộng đào đã toe toét nở, chị buồn buồn: “Tưởng được vụ đào cuối cùng suôn sẻ, ai ngờ ông trời cũng chẳng cho ăn.”
Chị Ngân kể rằng, nhà mình có hơn 3 sào đất màu để trồng hoa đào (mỗi sào bằng 360m2). Ngần ấy không nuôi đủ 6 cái miệng ăn, anh chị bàn nhau thuê thêm 3 sào nữa để trồng hoa. Những lúc nông nhàn, vợ chồng lại tranh thủ đi làm thuê cuốc mướn để nuôi con, trong đó có đứa phải học Cao đẳng xa nhà.
Cách đây vài tháng, “ông trời” cho thời tiết thuận lợi, vườn đào của người La Cả hứa hẹn một vụ bội thu. Nhưng rồi, đợt nóng áp Tết làm hoa nở bung bét khiến nhiều vườn đào lỗ vốn. Chị Ngân và những người nông dân ở La Cả đều cho rằng, nếu năm ngoái, một vườn đào thu được 40 triệu thì năm nay ước tính sẽ giảm quá nửa.
Làm nông nghiệp, được hay mất mùa do nhiều yếu tố. Nhưng thôi, “mất mùa thì làm mùa khác, chứ mất đất thì lấy đâu ra đất để trồng cây,” chị Ngân rớm nước mắt.
Theo lời chị, mấy ngày hôm nay chị đều nhận được giấy tờ thông báo thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho các dự án. Quyết định đã có từ lâu, nhưng còn một số nông dân La Cả không muốn xa đồng ruộng, nên còn chưa đến lấy tiền đền bù.
Một người nói rằng, tính trung bình 1 sào trồng đào, người nông dân cũng sẽ được đền bù, hỗ trợ tổng cộng gần 100 triệu đồng. Số tiền ấy, cũng chỉ làm vài vụ đào là đủ, còn mất đất thì xem như lại trắng tay khi chẳng mấy chốc, số tiền đền bù sẽ chi tiêu hết. Đấy là chưa nói đến chuyện, nhiều người khi có nhiều tiền lại sinh ra cờ bạc, rượu chè, thanh niên thì nghiện ngập vì không có công việc… Bởi thế, nhiều nông dân như chị Ngân nhìn thấy cục tiền mà… không muốn nhận.
Xin lại được làm nông dân
Vẫn cái giọng buồn bã, chị Ngân bảo rằng không biết sau khi bị thu hồi đất thì gia đình chị sẽ sống bằng nghề gì. Nghề làm thuê của chị cũng chỉ là bới đất, nhặt cỏ thì biết làm gì để ra tiền trong khi các con còn nhỏ. Hơn nữa, tháng nào chị cũng phải chu cấp cho cô con gái học xa từ 2,5 đến 3 triệu đồng.
“Xin đi quét rác, người ta cũng hỏi bằng cấp, buôn bán thì không biết mà đi làm ‘osin’ thì cũng phải có kỹ năng, chứ chúng tôi là nông dân cục mịch, làm sao học được,” chị Ngân rầu rầu.
Nhìn những gốc đào già nua, chị bảo khi bị giải tỏa sẽ phải “bán tống, bán tháo” với phương châm được đồng nào hay đồng ấy. Chắc rồi sẽ bị dìm giá, nhưng còn hơn là đem về làm củi khô.
Bà Nguyễn Thị Tỉnh vừa đi bán đào về, thì bảo rằng có người đã tính chuyện đi xa thêm khoảng 10 – 15km để thuê đất nông nghiệp, trồng đào. “Chúng tôi già rồi, chẳng thể chuyển nghề được thì đành đi xa như vậy thôi,” bà nói.
Không phải ai cũng có tiềm lực vốn và sự quen biết để có thể di chuyển vườn đào đi xa như vậy. Bà Tỉnh thẳng thắn nói rằng đến “vùng đất mới” người nông dân sẽ chịu nhiều áp lực, kể cả về an ninh nếu không có sự hậu thuẫn của địa phương. Sẽ không bao giờ tránh được tình trạng bị coi là “ngụ cư” rồi “ma cũ bắt nạt ma mới”…
Một số người thì cho hay, họ sẽ áp dụng phương pháp “còn nước, còn tát.” Anh Nguyễn Văn Hùng (đội 11) bảo sẽ chuyển đổi từ trồng hoa đào sang trồng rau. “Một vụ rau ngắn thì 1 tháng, muộn thì 3 tháng sẽ cho thu hoạch còn trồng đào thì mất cả năm trời. Nếu trong lúc trồng rau, bị thu hồi đất thì số vốn bỏ ra cũng ít và biết đâu lại thu hoạch được,” anh nói.
Còn chị Ngân thì cho hay, cũng sẽ đi thuê đất trồng đào, và cũng sẽ “tận dụng” như cách của anh Hùng, nhưng nếu không thuê được đất thì lại xin đi làm thuê cho những chủ vườn đào, dù có phải đi xa.
Bởi, nếu không làm nông dân thì biết làm gì mà sống?
Tôi rời La Cả, khi mà cảnh buôn bán vẫn tấp nập. Cả cánh đồng trồng đào đã bán được kha khá nên tuy thất thu, người dân vẫn có thể sắm cho mình một cái Tết tinh tươm. Nhưng hầu như, chả mấy ai mặn mà với Tết. Họ còn đang suy tư, toan tính về nghề mới của mình. Biết làm gì đây khi sắp thành người đô thị?./.
Các cụ vốn có câu: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố.” Lý ra, người La Cả phải vui mừng hớn hở khi được giã từ “kiếp nông dân”. Nhưng, ai nấy đều nhuốm vẻ u sầu…
Được cục tiền mà… sợ
Sớm 29 Tết, tiết trời đổ lạnh. Trên cánh đồng trồng đào của La Cả nhộn nhịp vô cùng bởi cảnh bán mua, đánh gốc, cắt cành. Nhiều cô cậu người nội thành, vừa đi mua đào chơi Tết, vừa í ới gọi nhau tranh thủ chụp những bức ảnh với hoa đào làm kỷ niệm.
“Chụp nữa đi, chụp nhiều vào kẻo sang năm muốn cũng chẳng có mà chụp,” một bác nông dân ngồi canh dăm cây đào vừa đánh từ ruộng lên đường cái đợi khách, vừa rít điếu thuốc lào sòng sọc, chép miệng.
Ở một thửa ruộng, chị Nguyễn Thị Ngân, 42 tuổi, tay thoăn thoắt ngắt bỏ những cánh hoa đào tàn, héo bởi đợt nắng nóng vừa qua. Vừa “tân trang” cho ruộng đào đã toe toét nở, chị buồn buồn: “Tưởng được vụ đào cuối cùng suôn sẻ, ai ngờ ông trời cũng chẳng cho ăn.”
Chị Ngân kể rằng, nhà mình có hơn 3 sào đất màu để trồng hoa đào (mỗi sào bằng 360m2). Ngần ấy không nuôi đủ 6 cái miệng ăn, anh chị bàn nhau thuê thêm 3 sào nữa để trồng hoa. Những lúc nông nhàn, vợ chồng lại tranh thủ đi làm thuê cuốc mướn để nuôi con, trong đó có đứa phải học Cao đẳng xa nhà.
Cách đây vài tháng, “ông trời” cho thời tiết thuận lợi, vườn đào của người La Cả hứa hẹn một vụ bội thu. Nhưng rồi, đợt nóng áp Tết làm hoa nở bung bét khiến nhiều vườn đào lỗ vốn. Chị Ngân và những người nông dân ở La Cả đều cho rằng, nếu năm ngoái, một vườn đào thu được 40 triệu thì năm nay ước tính sẽ giảm quá nửa.
Làm nông nghiệp, được hay mất mùa do nhiều yếu tố. Nhưng thôi, “mất mùa thì làm mùa khác, chứ mất đất thì lấy đâu ra đất để trồng cây,” chị Ngân rớm nước mắt.
Theo lời chị, mấy ngày hôm nay chị đều nhận được giấy tờ thông báo thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho các dự án. Quyết định đã có từ lâu, nhưng còn một số nông dân La Cả không muốn xa đồng ruộng, nên còn chưa đến lấy tiền đền bù.
Một người nói rằng, tính trung bình 1 sào trồng đào, người nông dân cũng sẽ được đền bù, hỗ trợ tổng cộng gần 100 triệu đồng. Số tiền ấy, cũng chỉ làm vài vụ đào là đủ, còn mất đất thì xem như lại trắng tay khi chẳng mấy chốc, số tiền đền bù sẽ chi tiêu hết. Đấy là chưa nói đến chuyện, nhiều người khi có nhiều tiền lại sinh ra cờ bạc, rượu chè, thanh niên thì nghiện ngập vì không có công việc… Bởi thế, nhiều nông dân như chị Ngân nhìn thấy cục tiền mà… không muốn nhận.
Xin lại được làm nông dân
Vẫn cái giọng buồn bã, chị Ngân bảo rằng không biết sau khi bị thu hồi đất thì gia đình chị sẽ sống bằng nghề gì. Nghề làm thuê của chị cũng chỉ là bới đất, nhặt cỏ thì biết làm gì để ra tiền trong khi các con còn nhỏ. Hơn nữa, tháng nào chị cũng phải chu cấp cho cô con gái học xa từ 2,5 đến 3 triệu đồng.
“Xin đi quét rác, người ta cũng hỏi bằng cấp, buôn bán thì không biết mà đi làm ‘osin’ thì cũng phải có kỹ năng, chứ chúng tôi là nông dân cục mịch, làm sao học được,” chị Ngân rầu rầu.
Nhìn những gốc đào già nua, chị bảo khi bị giải tỏa sẽ phải “bán tống, bán tháo” với phương châm được đồng nào hay đồng ấy. Chắc rồi sẽ bị dìm giá, nhưng còn hơn là đem về làm củi khô.
Bà Nguyễn Thị Tỉnh vừa đi bán đào về, thì bảo rằng có người đã tính chuyện đi xa thêm khoảng 10 – 15km để thuê đất nông nghiệp, trồng đào. “Chúng tôi già rồi, chẳng thể chuyển nghề được thì đành đi xa như vậy thôi,” bà nói.
Không phải ai cũng có tiềm lực vốn và sự quen biết để có thể di chuyển vườn đào đi xa như vậy. Bà Tỉnh thẳng thắn nói rằng đến “vùng đất mới” người nông dân sẽ chịu nhiều áp lực, kể cả về an ninh nếu không có sự hậu thuẫn của địa phương. Sẽ không bao giờ tránh được tình trạng bị coi là “ngụ cư” rồi “ma cũ bắt nạt ma mới”…
Một số người thì cho hay, họ sẽ áp dụng phương pháp “còn nước, còn tát.” Anh Nguyễn Văn Hùng (đội 11) bảo sẽ chuyển đổi từ trồng hoa đào sang trồng rau. “Một vụ rau ngắn thì 1 tháng, muộn thì 3 tháng sẽ cho thu hoạch còn trồng đào thì mất cả năm trời. Nếu trong lúc trồng rau, bị thu hồi đất thì số vốn bỏ ra cũng ít và biết đâu lại thu hoạch được,” anh nói.
Còn chị Ngân thì cho hay, cũng sẽ đi thuê đất trồng đào, và cũng sẽ “tận dụng” như cách của anh Hùng, nhưng nếu không thuê được đất thì lại xin đi làm thuê cho những chủ vườn đào, dù có phải đi xa.
Bởi, nếu không làm nông dân thì biết làm gì mà sống?
Tôi rời La Cả, khi mà cảnh buôn bán vẫn tấp nập. Cả cánh đồng trồng đào đã bán được kha khá nên tuy thất thu, người dân vẫn có thể sắm cho mình một cái Tết tinh tươm. Nhưng hầu như, chả mấy ai mặn mà với Tết. Họ còn đang suy tư, toan tính về nghề mới của mình. Biết làm gì đây khi sắp thành người đô thị?./.
Trung Hiền (Vietnam+)