Nam Phi đánh giá cao cách xử lý khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe

Đề cập khả năng xin tị nạn, Chính phủ Nam Phi cho biết hiện chưa nhận được đề nghị xin cư trú của cựu Tổng thống Zimbabwe Mugabe tại nước này.
Nam Phi đánh giá cao cách xử lý khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe ảnh 1Ông Robert Mugabe phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Harare ngày 18/1/2010. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 23/11, phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, các nghị sỹ Quốc hội Nam Phi đã hoan nghênh nước láng giềng Zimbabwe trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị mà không để xảy ra bạo lực và đổ máu.

Nghị sỹ Bheki Radebe của Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền hoan nghênh quân đội Zimbabwe đã đảm bảo an toàn cho cựu Tổng thống Robert Mugabe và nhà lãnh đạo này luôn nhận được sự ngưỡng mộ của người dân Nam Phi vì ông là người đấu tranh kiên cường chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid trước đây.

Nghị sỹ Mbuyiseni Ndlozi thuộc đảng các Chiến sỹ Đấu tranh cho Tự do kinh tế (EFF) cho rằng việc ông Mugabe từ chức cho thấy ông chấp nhận tiến trình dân chủ và rời vị trí tổng thống mà không gây ra đổ máu. Trong khi đó, nghị sỹ Mabine Seabe của đảng Liên minh Dân chủ (DA), đảng đối lập lớn nhất Nam Phi, nhấn mạnh quyết định từ chức của ông Mugabe mở đường cho việc tổ chức cuộc bầu cử tự do và công bằng, đó là ý chí của người dân.

Đề cập khả năng xin tị nạn, Chính phủ Nam Phi cho biết hiện chưa nhận được đề nghị xin cư trú của cựu Tổng thống Zimbabwe Mugabe tại nước này.

Báo cáo trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nam Phi và cũng là phát biểu chính thức đầu tiên sau khi ông Mugabe từ chức, ngày 23/11, Thứ trưởng Bộ Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi Luwellyn Landers cho biết Nam Phi đang theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị Zimbabwe, đặc biệt kế hoạch nhậm chức tổng thống Zimbabwe của cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa trong ngày 24/11.

Tuy nhiên, theo nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán, cựu Tổng thống Mugabe, người được miễn truy tố và được đảm bảo an toàn ở trong nước theo thỏa thuận dẫn tới việc ông quyết định từ chức, tiết lộ ông không có kế hoạch sống lưu vong và muốn được sống những ngày cuối đời tại quê hương.

[Đảng đối lập Zimbabwe muốn loại trừ tất cả các "trụ cột đàn áp"]

Mặc dù thỏa thuận chuyển giao quyền lực không đề cập đến việc cấm ông ra nước ngoài, song với ông, việc được trao quyền miễn trừ truy tố và đảm bảo an ninh để ở lại đất nước là rất quan trọng.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/11, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa sẽ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe, đánh dấu chương cuối cùng trong tiến trình chuyển giao chính trị không dẫn tới bạo lực và đổ máu tại quốc gia châu Phi này.

Dự kiến, ông Mnangagwa sẽ nhậm chức tại sân vận động quốc gia ở ngoại ô thủ đô Harare trước sự ủng hộ của hàng nghìn người dân, quan chức và các nhà ngoại giao nước ngoài. Ông sẽ đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Mugabe cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, theo kế hoạch được tổ chức vào tháng 9/2018.

Hai tuần trước, quyết định của Tổng thống Mugabe cách chức Phó Tổng thống Mnangagwa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi.

Đêm 14/11, quân đội nước này đã tiến hành các hoạt động quân sự nhằm truy lùng "những phần tử tội phạm" xung quanh ông Mugabe, giành quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông, đồng thời quản thúc Tổng thống Mugabe và vợ là bà Grace Mugabe tại khu “Nhà Xanh” ở thủ đô Harare.

Dù khẳng định đây không phải là cuộc đảo chính, nhưng phía quân đội Zimbabwe cùng nhiều lãnh đạo đảng ZANU-PF cầm quyền đã gây sức ép đòi Tổng thống Mugabe từ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục