Nam Sahara châu Phi - Khu vực rủi ro nhất thế giới với các nhà đầu tư

Khu vực phía Nam Sahara châu Phi chiếm 7 trong số 10 nước có nguy cơ bạo lực thánh chiến cao nhất trên thế giới, trong đó tình hình tại Mozambique và Cộng hòa Dân chủ Congo đang xấu đi rõ rệt.
Nam Sahara châu Phi - Khu vực rủi ro nhất thế giới với các nhà đầu tư ảnh 1Binh sỹ Cộng hòa Dân chủ Congo tuần tra tại làng Manzalaho gần Beni. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, tình trạng bạo lực cực đoan và sự lạm dụng của các lực lượng an ninh khiến phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi trở thành khu vực rủi ro nhất trên thế giới đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong năm 2020.

Báo cáo "Chỉ số Cường độ khủng bố" do công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft có trụ sở tại London (Anh) công bố ngày 11/12 cho biết trong tổng số 198 quốc gia được công ty khảo sát, khu vực phía Nam Sahara châu Phi chiếm 7 trong số 10 nước có nguy cơ bạo lực thánh chiến cao nhất trên thế giới, trong đó tình hình tại Mozambique và Cộng hòa Dân chủ Congo đang xấu đi rõ rệt.

Tình trạng bạo lực ở các điểm nóng về khủng bố tại châu Phi đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn và nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia trên lục địa, bao gồm cả một số quốc gia trước đây được coi là an toàn.

Bạo lực kéo dài ở Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria và Cameroon không có dấu hiệu giảm bớt và nguy cơ lan rộng khắp vùng Sahel và khu vực rộng lớn hơn, trong đó có các quốc gia ven biển Tây Phi.

[AU đánh giá việc thực hiện kế hoạch chấm dứt xung đột ở châu Phi]

Theo chuyên gia phân tích cao cấp về châu Phi của Verisk Maplecroft, ông Alexandre Raymakers, các doanh nghiệp cần dựa vào lực lượng an ninh để bảo đảm an toàn cho con người và tài sản.

Tuy nhiên, các chiến lược chống khủng bố đang áp dụng tại châu Phi chủ yếu tập trung vào khía cạnh quân sự, triển khai lực lượng quân đội để tìm kiếm và tiêu diệt các phiến quân vũ trang, dễ dẫn đến những vi phạm nhân quyền và ảnh hưởng xấu đến uy tín của các công ty nước ngoài có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Chuyên gia Raymakers cũng đánh giá rằng rất ít khả năng các nhóm khủng bố hoạt động ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi giảm hoạt động trong năm 2021.

Báo cáo cũng nhận định các nước đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, do COVID-19 làm cạn kiệt ngân quỹ của các chính phủ. Thực tế này khiến các nước sẽ phải vật lộn để thực hiện các chiến lược chống khủng bố toàn diện cần thiết nhằm ngăn chặn những mối đe dọa an ninh này.

Ngay từ bây giờ, các công ty cần đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa để xác định các mối đe dọa mới, qua đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục