Nan giải chuyện người "ăn xin" ở TP.HCM

Giải quyết người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang trong tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa.”

Giải quyết người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Mục tiêu của thành phố - từ nay đến năm 2010 cơ bản giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng - xem ra khó có thể thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, thành phố tiếp nhận 927 người lang thang xin ăn, sinh sống và đã giải quyết hồi gia cho 455 đối tượng. Hiện nay, 13 Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội đang quản lý gần 6.500 đối tượng, ngoài ra tại các Trung tâm Hỗ trợ xã hội cũng đang còn 109 đối tượng đang chờ phân loại.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm 2009 giữa Sở Lao động-Thương binh-Xã hội với các phòng Lao động-Thương binh-Xã hội của 24 quận-huyện Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra ngày 6/7.

Hằng năm, thành phố đã triển khai nhiều chính sách, huy động nhiều nguồn quỹ nhằm hỗ trợ, giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng nhưng kết quả đạt được nhiều khi không như mong muốn.

Hàng trăm người đã quay trở lại thành phố sau khi “hồi gia” trong cảnh bồng bế, dắt díu nhau đông hơn, thậm chí có tổ chức, hình thành đường dây. Đối tượng lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng làm mất mỹ quan thành phố, là nhân tố phát sinh nhiều tệ nạn, trong đó xuất hiện hiện tượng "chăn dắt," sử dụng trái pháp luật lao động là trẻ em, xâm hại tình dục.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng từ nay đến năm 2010, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp thu gom tập trung đối tượng vào các Trung tâm bảo trợ xã hội rồi phân loại, cho hồi gia.

Sở Lao động-Thương binh-Xã hội cũng cho rằng cần phải tiến hành giải pháp quyết liệt là thu gom, tập trung đối tượng. Công tác này sẽ được tiến hành ưu tiên tại các điểm thuộc quận 1, quận 3; 12 tuyến đường quy định của thành phố về thực hiện nếp sống văn minh đô thị; tại các khu vực vòng xoay: Hàng Xanh, Lăng Cha Cả; khu vực trước Quân khu 7, đường vào sân bay Tân Sơn Nhất; khu vực đền chùa Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc tự.

Giải pháp này nhằm kéo giảm số lượng người lang thang xin ăn trên phố, tiến tới phân loại và cho hồi gia; song song với các biện pháp kết hợp với chính quyền nơi có người đi lang thang trong vấn đề tạo việc làm và ổn định thu nhập, đặc biệt là tăng cường trao đổi với ngành lao động-thương binh-xã hội một số tỉnh thuộc Campuchia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục