Nan giải xử lý tài sản đảm bảo, áp lực nợ xấu ngày càng lớn

Các chuyên gia lo ngại khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 hết hiệu lực vào giữa năm 2024, nợ xấu ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh.
Nan giải xử lý tài sản đảm bảo, áp lực nợ xấu ngày càng lớn ảnh 1Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là do ảnh hưởng từ khó khăn của bất động sản và tài chính tiêu dùng.

Gian nan xử lý tài sản

Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc cho thấy tình trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng đáng lo ngại. Thực tế, không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo lại khá gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để.

Có những khoản nợ được hạ giá đến vài lần, đấu giá cả chục lần nhưng vẫn không có người mua. Điển hình, BIDV rao bán đấu giá khoản nợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty Cổ phần Thanh Tâm với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng (nợ gốc và lãi gần 600 tỷ đồng), rao bán nợ của Công ty Cổ phần Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng (tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 5/2023 là… 1.016 tỷ đồng).

[Giải pháp nào giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn]

VietinBank cũng phát thông báo đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của Công ty Nosco Shipyard với giá khởi điểm hơn 2.302 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so lần rao bán trước.

Sacombank cũng đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng. Còn khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty Thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm 2022. Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trên 50%, thậm chí có ngân hàng tăng gấp đôi so với cuối năm trước.

Trong tổng số 29 ngân hàng niêm yết thì có tới 27 ngân hàng có nợ xấu tăng. Tổng nợ xấu của 29 ngân hàng tính đến hết quý 2 ở mức gần 220.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cuối năm trước.

Những ngân hàng có nợ xấu cao là Ngân hàng Quốc Dân, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Nam Á…

Duy chỉ có 2/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm 2023 là Kienlongbank và SHB. Cụ thể, Kienlongbank giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,92% xuống 1,65%. SHB cũng giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,81% xuống 2,58% trong nửa đầu năm 2023.

Nguy cơ nợ xấu gia tăng đã được nhiều ngân hàng lường trước từ đầu năm nay. Ngay cả “ông lớn” Agribank, vốn có thành tích xử lý nợ xấu rất tốt 5 năm trước đây (giai đoạn 2016-2020 đưa nợ xấu từ 8,1% xuống còn 1,86%) hiện cũng đang "ngồi trên đống lửa" vì nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank thừa nhận trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng dẫn đến nợ xấu gia tăng dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.

Nan giải xử lý tài sản đảm bảo, áp lực nợ xấu ngày càng lớn ảnh 2Thị trường bất động sản đóng băng là một trong những nguyên nhân gây nên nợ xấu cao trong thời gian qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của Agribank ở thời điểm 30/6 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn,” ông Ấn cho biết.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.

Ngân hàng tăng cường bao nợ xấu

Trước áp lực tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng cũng đồng thời nâng bộ đệm dự phòng rủi ro. Quán quân về khả năng dự phòng nợ xấu vẫn thuộc về Vietcombank với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng số dư dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ xấu) lên tới 385,7% vào cuối quý 2/2023, tăng 68,9 điểm% so với cuối năm ngoái.

Vietcombank cũng là nhà băng ghi nhận tỷ lệ bao phủ tăng duy nhất trong tốp 10 tỷ lệ bao nợ xấu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải lúc nào số dư dự phòng nợ xấu cũng theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu, tại phần lớn ngân hàng lại sụt giảm trong nửa đầu năm.

Dù ở vị trí thứ hai với 168,9% nhưng VietinBank vẫn giảm 19,5 điểm% so với thời điểm cuối năm ngoái. Tỷ lệ bao nợ xấu quý 2/2023 của Bac A Bank giảm mạnh 46 điểm% so với cuối năm 2022, dù vậy ngân hàng này vẫn giữ tốp 3 tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn hệ thống đạt 157,7%

Những vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về MB (145,1%), BIDV (152,6%), Agribank (122,8%), Techcombank (115,8%), ACB (107,6%), SeABank (98,6%) và LPBank (78,5%).

Trích lập dự phòng giúp ngân hàng phần nào đối phó với rủi ro nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mỗi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.

Áp lực ngày càng lớn

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai cao hơn con số thực tế hiện nay.

Nan giải xử lý tài sản đảm bảo, áp lực nợ xấu ngày càng lớn ảnh 3Nợ xấu được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “Sáu tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao, nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống.”

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB nhận định Thông tư 02/2023/TT-NHNN, có hiệu lực đến hết tháng 6/2024 được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu).

Tuy nhiên theo bà Hiền, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, do một số áp lực được đẩy về tương lai khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nhất là trong trường hợp các ngân hàng không kiểm soát tốt chất lượng tài sản khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Dù đánh giá nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, tuy nhiên, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia vẫn lạc quan cho rằng nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát khi các ngân hàng đang chủ động trích lập dự phòng để tăng nguồn lực xử lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục