Nâng cao cạnh tranh quốc gia cần cơ quan quản lý độc lập

Mặc dù, Luật Cạnh tranh có hiệu lực thực thi được 12 năm, song trên thực tế các hành vi hạn chế cạnh tranh của cơ quan Nhà nước vẫn đang diễn ra.
Nâng cao cạnh tranh quốc gia cần cơ quan quản lý độc lập ảnh 1Diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia,” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 3/10. (Ảnh: PV/vietnam+)

Mặc dù, Luật Cạnh tranh có hiệu lực thực thi được 12 năm, song trên thực tế các hành vi hạn chế cạnh tranh của cơ quan Nhà nước vẫn đang diễn ra.


[Câu chuyện cổ phần và tầm nhìn xa của gia tộc giàu nhất Đông Nam Á]

“Một số cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phuơng đã ban hành các văn bản hành chính mang tính mệnh lệnh, như chỉ định doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ…, phân biệt đối xử thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Những hành vi này can thiệp trực tiếp đến các hoạt động của thị trường, gây ra những tác động tiêu cực và làm phương hại đến môi trường cạnh tranh.”

Nội dung trên đã được ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh tại Diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia,” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 3/10.

Luật đi vào đời sống

Thời gian qua, Bộ Công Thương tiến hành hoạt động điều tra tiền tố tụng đối các nghi vấn vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh. Tính đến năm 2016, cơ quan này đã thực hiện tổng số 87 cuộc điều tra tiền tố tụng, qua đó xử lý 8 vụ hạn chế cạnh tranh, với gần 70 doanh nghiệp bị điều tra và quyết định xử lý, thu về ngân sách gần 5,5 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, mặc dù số vụ việc điều tra và xử lý còn khiêm tốn, song các kết quả kể trên cho thấy sự khởi đầu của việc thực thi Luật Cạnh tranh đã đi vào đời sống và phát huy tác dụng.

Trong nền kinh tế mở, các hành vi tập trung kinh tế diễn ra khá phổ biến. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã thụ lý 32 vụ việc, điển hình như vụ việc VINAPCO - công ty con của Vietnam Airlines – nhà độc quyền cung cấp xăng dầu hàng không, từ chối cung cấp nhiên liệu cho Jetstar Pacific (tháng 4/2008); bia Laser, nhãn hiệu bia tươi đóng chai đầu tiên của Việt Nam, không thể tiếp cận mạng lưới phân phối do các liên doanh (bia Heineken, Tiger,…) gây sức ép tới hệ thống bán lẻ bằng các hợp đồng độc quyền; vụ việc 19 doanh nghiệp bảo hiểm (chiếm 99,79% thị phần trên thị trường bảo hiểm vật chất xe ôtô tại Việt Nam) hợp tác tăng phí bảo hiểm xe cơ giới khoảng 15%....

Bên cạnh đó báo cáo từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quảng cáo chiếm tỷ lệ lớn nhất (62%), tiếp đến là bán hàng đa cấp bất chính (17%), các vụ việc khác như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gây rối hoạt động hoặc gièm pha doanh nghiệp đối thủ, xâm phạm bí mật kinh doanh… chiếm tỷ lệ thấp.

Can thiệp bằng mệnh lệnh

Chưa hết, những dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh còn đến từ các cơ quan quản lý, như việc ra các mệnh lệnh hành chính can thiệp trực tiếp vào các hoạt động cạnh tranh trên thị trường.

Trong các năm 2014, 2015, Bộ Công Thương đã phải xác minh và xử lý 15 vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh về các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

Đơn cử các vụ việc tiêu biểu, như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục chỉ nên tham gia bảo hiểm của 5 doanh nghiệp; Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người dân địa phương ưu tiên sử dụng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong Tỉnh; Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan Nhà nước tại địa phương phải sử dụng xi măng Xuân Thành trong đầu tư kiên cố hoá mặt đường giao thông nông thôn…

“Các vụ việc trên không chỉ liên quan đến các quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh mà còn đi ngược lại tinh thần của nguyên tắc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh tại Điều 51 Hiến pháp và Điều 10 Luật Thương mại cùng một số quy định pháp luật khác về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,” ông Trịnh Anh Tuấn chỉ ra.

Cơ quan quản lý độc lập

Tại Diễn đàn, tiến sỹ Trần Mai Hiến, Chánh văn phòng Hội đồng Cạnh tranh chỉ ra những rào cản đối với cạnh tranh có thể xuất phát từ các Quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước; Quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng hàng hóa dịch vụ, các chuẩn mực nghề nghiệp.

“Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đang rà soát để cắt giảm mạnh mẽ những quy định này nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp,” ông Hiến nói.

Tuy nhiên phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, những rào rào cản chi phối rất lớn đến năng lực cạnh tranh là khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp tài chính. Cụ thể là những rào cản về chính sách phí và lệ phí quy định cho các ngành tài chính, ngân hàng, dịch vụ công ích, bảo hiểm, vận tải…, thậm chí có những khoản phí, lệ phí ngày càng tăng dần.

Theo tiến sỹ Trần Mai Hiến, các nhóm nhóm rào cản đến từ các Quy định (như buộc tổ chức, cá nhân phải mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được chỉ định trước; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, hành vi buộc các tổ chức, cá nhân liên kết với nhau nhằn loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường…) cần phải cắt giảm mạnh mẽ và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.

Bên cạnh một chính sách cạnh tranh “tốt” còn phải có một cơ quan quản lý hiệu quả. Song tiến sỹ, Phan Đức Hiếu, Viện phó, CIEM cho rằng, không có một mô hình lý tưởng và duy nhất về “cơ quan quản cạnh tranh” phù hợp cho mọi quốc gia, bởi trình độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị và văn hóa là khác nhau.

“Đây phải là cơ quan đa chức năng, độc lập với chính phủ và nguyên tắc hoạt động phải đảm bảo có sự tách bạch trong hoạt động điều tra, ra quyết định cũng như tính phản biện và tham vấn chính sách, “ ông Hiếu nói./.

Tiến sỹ, Phan Đức Hiếu,Viện phó, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục