Nâng cao hiệu quả bảo vệ an ninh kinh tế, quốc gia trong hội nhập quốc tế

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị lực lượng Công an giữ vững độc lập, tự chủ, an ninh, lợi ích quốc gia, thế chủ động chiến lược; bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, không để bị động.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Toàn quốc Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Dự và chủ trì Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Hội nghị đã đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 và quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24, thống nhất, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, cả hệ thống chính trị và nhân dân về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

ttxvn-2112anninhkinhte2-2834.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai biểu dương, ghi nhận những thành tích, kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh lực lượng Công an tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh kinh tế; chủ động phòng ngừa, đấu tranh vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm trên các lĩnh vực kinh tế; tham gia tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong bảo vệ an ninh kinh tế hiệu quả hơn, nhất là trong rà soát, kiểm tra cụ thể từng quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội...

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24 và Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị, các cấp ủy đảng tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc những nội dung trọng tâm của Chỉ thị. Quán triệt thực hiện nghiêm quan điểm “Bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh quốc gia,” “Giữ vững độc lập, tự chủ, an ninh, lợi ích quốc gia, thế chủ động chiến lược; bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ"...

ttxvn-2112anninhkinhte3-5284.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12, kết quả bao trùm nhất đó là an ninh kinh tế ngày càng vững chắc. Các yếu tố tiềm ẩn phức tạp được kiểm soát, kiềm chế và từng bước xóa bỏ.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, lành mạnh, bình đẳng ngày càng được củng cố. Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức do tác động chưa từng có tiền lệ của dịch COVID-19, cạnh tranh giữa các nước lớn và môi trường an ninh toàn cầu ngày càng căng thẳng.

Bộ trưởng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; những nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh kinh tế và nhấn mạnh một số công tác trọng tâm thời gian tới, như tiếp tục cụ thể hóa, quán triệt thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 và Chỉ thị số 24 của Bộ Chính trị; tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, Thủ trưởng các đơn vị kinh tế trọng điểm về tăng cường công tác phòng ngừa trong bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Đồng thời, hệ thống pháp luật tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, xử lý từ sớm, từ xa những nhân tố có thể gây đột biến, bất lợi.

Bên cạnh đó, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân hoạt động phá hoại kinh tế, lợi dụng hoạt động hợp tác, đầu tư để can thiệp vào chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, chuyển hóa chính trị; chủ động đánh giá, nhận diện, dự báo các loại tội phạm mới trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm để triển khai các giải pháp đấu tranh, xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn.

Bộ trưởng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, nhất là lực lượng trực tiếp bảo đảm an ninh kinh tế, bảo đảm đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh kinh tế trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục