Sáng 16/4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary, bà Márta Mátrai đồng chủ trì Tọa đàm lập pháp lần thứ 5 với chủ đề "Vai trò của Quốc hội trong hoạt động giám sát tối cao đối với các thỏa thuận hợp tác song phương đã ký kết giữa hai nước."
Đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm lập pháp lần thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ tin tưởng quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hungary sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ và đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa.
Tại tọa đàm, hai bên khẳng định hợp tác nghị viện là điểm sáng trong mối quan quan hệ hai nước. Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội ký vào tháng 6/2022 là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện, góp phần xây dựng tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Hai bên cùng trao đổi thông tin và giới thiệu về: vai trò, chức năng giám sát của Quốc hội mỗi nước; tình hình ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã ký giữa Việt Nam và Hungary; chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước trong việc thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế cũng như thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Hungary.
Hai bên cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế của mỗi nước.
Hiện tại, Việt Nam và Hungary có 48 điều ước quốc tế đang có hiệu lực, 1 điều ước quốc tế đang chờ phê duyệt và 49 thỏa thuận quốc tế đang có hiệu lực.
Trong số đó, 48 điều ước quốc tế giữa hai nước được ký nhân danh Nhà nước và Chính phủ với tên gọi Hiệp định, Nghị định thư, Bản ghi nhớ, Thỏa thuận… bao trùm nhiều nội dung và trên tất cả các lĩnh vực như: miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ; khuyến khích và bảo hộ đầu tư; tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập; hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó là hợp tác về khoa học và công nghệ, khoa học và kỹ thuật, tài chính, văn hóa, giáo dục, quản lý nhà nước, nông nghiệp, tư pháp...
Cùng với đó, 49 thỏa thuận quốc tế được ký dưới danh nghĩa Quốc hội, bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên ký kết trong hoạt động hợp tác nghị viện và trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, bưu chính, truyền thanh, công nghệ thông tin và truyền thông, thể dục thể thao, giáo dục, y tế...; hợp tác địa phương, hợp tác giữa các bộ ngành hai nước, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng tham chính Hungary...
Đặc biệt, nhân chuyến thăm chính thức Hungary của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 6/2022, Quốc hội hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội trên cơ sở kế thừa nội dung Thỏa thuận đã ký trước đó...
Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đạt được thời gian qua, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary Márta Mátrai nêu rõ qua 4 lần tổ chức Tọa đàm lập pháp giữa Quốc hội hai nước, những vấn đề được lựa chọn đều rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đối với hai nước.
Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary Márta Mátrai cho rằng hai nước cần tổ chức giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận song phương.
Quốc hội Hungary và Quốc hội Việt Nam sẽ tự tiến hành, tự giám sát để trong lần tổ chức Tọa đàm lập pháp tiếp theo sẽ báo cáo kết quả, trong đó tập trung thống nhất các nội dung giám sát cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các hiệp định, thỏa thuận song phương.
Đồng tình với đề xuất của Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary Márta Mátrai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu Quốc hội hai nước nên giao hai Ủy ban Đối ngoại làm đầu mối, tiến hành rà soát, xem xét các thỏa thuận, hiệp định đã ký để lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cần giám sát, bao gồm cả một số thỏa thuận giữa các bộ, ngành, sau đó báo cáo lãnh đạo Quốc hội với tinh thần giám sát tới cùng để kiến tạo phát triển./.
Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Hungary tại Đông Nam Á
Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Hungary, nước bạn bè truyền thống, là đối tác toàn diện đầu tiên và duy nhất hiện nay của Việt Nam tại Trung Đông Âu.