Nâng chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri

UB Thường vụ Quốc hội nhận định, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri được nâng cao, nhiều kiến nghị được giải quyết kịp thời.
Ngày 10/6, mở đầu phiên chất vấn của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ bảy.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, cử tri cả nước gửi đến Quốc hội 1.687 kiến nghị. Kiến nghị của cử tri tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện phân loại những kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ các kỳ họp trước, những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn lại 1.234 kiến nghị, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của cử tri với Quốc hội


Tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, trong đó đã bổ sung việc ban hành các nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào chương trình, ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích việc khiếu nại, khởi kiện và việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện về đất đai quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật tố tụng hành chính.

Để phục vụ kịp thời công tác điều hành trong các phiên thảo luận tại hội trường, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Đoàn thư ký kỳ họp những kiến nghị của cử tri về các dự án Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 như: Luật người cao tuổi, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật dân quân tự vệ...

Nhiều nội dung cử tri kiến nghị đã được tiếp thu đưa vào dự thảo luật, được Quốc hội biểu quyết thông qua như: người cao tuổi được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng được hạ thấp độ tuổi từ 85 tuổi xuống 80 tuổi; quy định độ tuổi tham gia dân quân tự vệ từ 18 đến 45 tuổi đối với nam và 18 đến 40 tuổi đối với nữ; cho phép cán bộ y tế hành nghề khám chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân.

Các kiến nghị của cử tri về vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã được các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xem xét, quyết định nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Đặc biệt trong 2 nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đây là những dự án có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế đất nước cũng như phát triển kinh tế vùng.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã quyết định năm 2010 giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.”

Giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri


Tính đến ngày 10/5/2010, các cơ quan có trách nhiệm đã nghiên cứu và trả lời 1.170 kiến nghị của cử tri do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, còn 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời.

Qua xem xét, phân tích, tổng hợp nội dung văn bản trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan cho thấy: 697 kiến nghị (chiếm 58,6%) được các cơ quan trả lời đã tiếp thu và giải quyết; 263 kiến nghị (chiếm 22%) đang trong quá trình xem xét, giải quyết; 94 kiến nghị (chiếm 7,9%) được ghi nhận để nghiên cứu ban hành chính sách; 50 kiến nghị (chiếm 4,2%) tuy thuộc trách nhiệm của bộ, ngành ở trung ương nhưng việc giải quyết cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương; 66 kiến nghị (chiếm 5,5%) được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin với cử tri.

Cùng với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, giải quyết những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị tại các kỳ họp trước.

Nâng cao hiệu quả giải quyết kiến nghị

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được nâng cao, nhiều kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong đời sống xã hội.

Đây là sự nỗ lực rất lớn thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với cử tri và nhân dân cả nước, được đông đảo cử tri ghi nhận.

Bên cạnh những cố gắng, tích cực, việc xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri còn có những tồn tại, hạn chế như nhiều kiến nghị của cử tri đã được trả lời sẽ ghi nhận để nghiên cứu giải quyết hoặc đang xem xét, giải quyết nhưng các cơ quan chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, đề ra lộ trình cụ thể trong việc ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với những vấn đề nảy sinh trong đời sống thực tiễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục